Đại diện chính quyền địa phương và Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương bồi thường, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án cải tạo, nâng cấp QL14E.
Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam có quy mô đầu tư xây dựng 31,5 km đường giao thông, đi qua 4 huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước và Bắc Trà My. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 768 tỷ đồng (tương đương 34,514 triệu USD, trong đó vốn ODA từ Chính phủ Hàn Quốc là 25,474 triệu USD, vốn đối ứng 9,04 triệu USD). Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông khu vực miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên; kết nối Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với cảng biển Kỳ Hà, Cảng Hàng không quốc tế Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất theo chủ trương "Kết nối ASEAN".
Dự án được khởi công từ tháng 7/2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025. Tuy nhiên, theo BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư), khối lượng xây lắp thực hiện đến nay mới chỉ đạt 33,5% (giá trị đạt hơn 172/516 tỷ đồng). Nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thi công là do vướng mắc mặt bằng. Đến nay, dự án mới được bàn giao 15,5/31,5 km (đạt 47,6%), mặt bằng thi công một số đoạn không liên tục, còn vướng nhiều hạ tầng điện, cáp quang chưa được di dời, cùng với đó là khó khăn về nguồn đất đắp, mặt bằng bàn giao các đoạn tuyến đào đắp chưa được cân đối phù hợp.
Tương tự, dự án cải tạo, nâng cấp QL14E do BQLDA 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư được triển khai thi công từ tháng 3/2023, đến nay cũng rơi vào tình trạng vướng mặt bằng thi công.
Theo BQLDA 4, dự án cải tạo, nâng cấp QL14E có quy mô 71,38 km, đi qua địa bàn các huyện: Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) với tổng mức đầu tư hơn 1.848 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Đến nay, địa phương đã bàn giao 66,51/71,38 km (đạt 93,18%), trong đó mặt bằng thi công còn nhiều vị trí "xôi đỗ" và hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời khỏi phạm vi thi công.
Nhờ sự vào cuộc rốt ráo từ chính quyền địa phương nên nhiều hộ dân đã chấp hành chủ trương, chính sách bồi thường trước khi có quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, bàn giao mặt bằng thi công cho các dự án trọng điểm, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo chính quyền, lực lượng của địa phương thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường, GPMB và xem đây là tiền đề quan trọng triển khai thành công, đúng tiến độ các dự án trọng điểm.
Tuy nhiên, hiện nay công tác bồi thường, GPMB tại các dự án trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác xác minh nguồn gốc đất chậm, phát sinh tranh chấp giữa các hộ dân; công tác quản lý quỹ đất công ích chưa đảm bảo theo quy định dẫn đến vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất; việc bố trí tái định cư còn chậm, kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đáng nói, vẫn còn một số người dân không đồng ý phối hợp kiểm kê, không thống nhất về phương án bồi thường. Một số hộ dân có đất bị thu hồi cố tình chây ỳ, không chịu bàn giao mặt bằng, buộc chính quyền địa phương phải tiến hành ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất để thi công các dự án.
Trước những vướng mắc mặt bằng tại dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam và dự án cải tạo, nâng cấp QL14E, trong những ngày qua, chính quyền địa phương và Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục tổ chức vận động người dân chấp hành chủ trương, quy định Nhà nước, tạo điều kiện cho công tác triển khai thực hiện các dự án thuận lợi.
Theo Công an tỉnh Quảng Nam, với chức năng, nhiệm vụ được phân công của lực lượng Công an trong việc đảm bảo an ninh trật tự quá trình cưỡng chế thu hồi đất, với cách làm "kiên quyết và kiên trì, bền bỉ, liên tục", Công an tỉnh Quảng Nam đã chủ động chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ cùng công an cấp xã, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương liên quan nghiên cứu hồ sơ pháp lý, thực hiện tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như bức xúc của người dân, qua đó kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết có hiệu quả, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân bị ảnh hưởng, tạo được sự đồng thuận của nhân dân với các chủ trương của tỉnh.
Kết quả, nhiều hộ dân đã thống nhất bàn giao mặt bằng trước khi thi hành quyết định cưỡng chế, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Điển hình, từ đầu tháng 5, Công an tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thành công 8 hộ bàn giao mặt bằng tại dự án cải tạo, nâng cấp QL14E đoạn qua huyện Thăng Bình, huyện Hiệp Đức; 2 hộ dân tại dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam...
Thời gian tới, Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ liên quan, công an cấp xã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, bàn giao mặt bằng để thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Ông Quế Hải Trung - Phó Giám đốc BQLDA 4 nhìn nhận, trong thời gian qua, được sự quan tâm, vào cuộc của UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Thăng Bình, UBND xã Bình Quý..., mặt bằng phạm vi 1/2 phía trái tuyến hạng mục công trình cầu vượt đường sắt đã cơ bản bàn giao đủ phạm vi mặt bằng. Các phía còn lại hiện chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng dự án, phấn đấu bàn giao hoàn thành trước ngày 30/5/2025.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của địa phương trong công tác GPMB, thời điểm này, các nhà thầu đang khẩn trương thi công, tăng ca, tăng kíp đáp ứng tiến độ đề ra. Mỗi ngày, trên công trường thi công dự án cải tạo, nâng cấp QL14E, các nhà thầu huy động 56 mũi với 257 máy móc, thiết bị, hơn 520 công nhân thi công nền, móng mặt đường, lắp đặt rãnh... Đến nay, khối lượng xây lắp đã thi công thảm bê tông nhựa đạt khoảng 20 km và 40 km móng cấp phối đá dăm, dự kiến đến hết ngày 30/6/2025 sẽ thảm được khoảng 50 km bê tông nhựa và thi công được 65 km cấp phối đá dăm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.