Cách đây gần 2 năm, ngày 05/12/2022, thực hiện chức trách của một cố vấn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ GTVT, tôi đã gửi Bộ trưởng, đồng kính gửi các Thứ trưởng Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Vụ Khoa học công nghệ (KHCN) và Môi trường, Vụ Kết cấu hạ tầng của Bộ GTVT bức tâm thư kèm theo bài viết "Bất cập về yêu cầu tĩnh không đứng trong xây dựng đường bộ hiện nay ở Việt Nam"[1].
Bài viết này đã được đăng tải trên Tạp chí GTVT điện tử ngày 30/11/2022, mục Diễn đàn Khoa học, với tâm nguyện kính mong Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các cơ quan chức năng liên quan xem xét giải quyết các kiến nghị được nêu trong bài viết này.
Nội dung chính các kiến nghị nêu trong bài viết [1] là:
Cần xem xét lại quy định tĩnh không trên đường ô tô từ cấp III trở lên trong TCVN 4054:2005 [8] là 4,75 m, trong TCVN 5729:2012 [9] là 5,00 m vì chúng khác về bản chất so với các quy định được đề cập trong Nghị định 186/2004/NĐ-CP [10] và Nghị định 11/2010/NĐ-CP [11] "Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ".
Nếu phải tuân thủ các quy định này để nâng cấp toàn bộ các cầu vượt trên mạng đường bộ, kể cả đường cao tốc được xây dựng trước đây và xây mới các cầu vượt trong các dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến quốc lộ và cao tốc hiện nay thì sẽ phải tiêu tốn lượng kinh phí khổng lồ chỉ vì những phương tiện cố tình vi phạm các quy định về kích thước giới hạn (mà Bộ GTVT đã quy định trong Quy chuẩn QCVN 09:2015 [12]). Các cầu vượt trên mạng đường bộ nước ta đến nay có tĩnh không 4,5 m đối với quốc lộ và 4,75 m đối với cao tốc đang rất tốt và đảm bảo an toàn trong khai thác. Nếu chúng phải được nâng thêm 0,25 m nữa thì sẽ phải xử lý chúng như thế nào? Phá đi xây mới? Cải tạo nâng chiều cao? Hạ cao độ đường đỏ? Nguồn kinh phí lấy từ đâu? Lãng phí này ai chịu trách nhiệm?
Cần đề xuất và phối hợp với Bộ KHCN nghiên cứu sửa đổi các quy định cứng nhắc và không hợp lý về kinh tế, an toàn và kỹ thuật liên quan đến tĩnh không đứng trong các tiêu chuẩn TCVN 4054:2005 và TCVN 5729:2012.
Sau đó tôi còn trao đổi trực tiếp với Cục trưởng Cục Quản lý đâu tư xây dựng, Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường. Họ đều tỏ ý đồng tình với các kiến nghị của tôi và cho biết sẽ nghiên cứu để đưa vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đường bộ cao tốc đang được soạn thảo.
Thế nhưng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024/BGTVT Đường bộ cao tốc [2] do Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ trì soạn thảo, Vụ KHCN và Môi trường trình duyệt, Bộ KHCN thẩm định đã được Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành theo Thông tư số 06/2024/TT-BGTVT ngày 31/3/2024 vẫn quy định tại Điều 2.4: "Chiều cao tĩnh không của đường bộ cao tốc tối thiểu 5,00 m".
Ngày 15/11/2024, tôi được lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam mời dự tọa đàm về vấn đề này. Tham dự tọa đàm còn có đại diện của Vụ KHCN và Môi trường, Viện KHCN GTVT, Phòng KHCN và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam). Do trước đó, tôi đã chuyển bài viết "Bất cập về yêu cầu tĩnh không đứng trong xây dựng đường bộ hiện nay ở Việt Nam" cho lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam nên chủ yếu tôi ngồi nghe các bên dự họp trình bày lập luận tại sao trong Quy chuẩn họ đã quy định tại Điều 2.4: "Chiều cao tĩnh không của đường bộ cao tốc tối thiểu 5,00 m".
Đại diện Vụ KHCN và Môi trường thay mặt nhóm biên soạn và tham mưu trình duyệt cho biết, trước khi đưa ra quy định tại Điều 2.4 nói trên, những người tham gia soạn thảo và trình duyệt đã nghiên cứu rất kỹ các lập luận, các kiến nghị, các tài liệu tham khảo mà tôi đã nêu trong bài viết [1], nhất là những giải thích chi tiết về tĩnh không đứng trên đường ô tô cao tốc trong Quy chuẩn - Richtlinien für die Anlage von Autobahnen của Đức [3], [4] (Hình 1). Họ đã căn cứ vào những giải thích này và căn cứ chiều cao xe chở hàng cho phép hiện nay là 4,35 m theo Khoản 3, Điều 17 Thông tư số 03/2011/TT-BGTVT [6] để đưa ra con số tĩnh không đứng trên đường ô tô cao tốc Htk tối thiểu phải bằng chiều cao cho phép của xe + độ nẩy động học theo phương thẳng đứng khi xe lưu hành (oberer Bewegungsspielraum - 0,25 m) + không gian an toàn phía trên dự phòng cho mọi trường hợp bất lợi (oberer Sicherheitsraum - 0,45 m), tức là:
Htk = 4,35 m + 0,25 m + 0,45 m = 5,05 m
Hình 1: Các kích thước chính của không gian giao thông và không gian thông thủy theo quy chuẩn của Đức [3], [4].
Tôi đã trình bày ý kiến xin được làm rõ trị số 0,25 m của độ nẩy động học theo phương thẳng đứng nêu trên là trị số tối đa đã được nghiên cứu thông kê thực nghiệm với tốc độ chạy xe không bị hạn chế trên đường cao tốc (Autobahn) của Đức, còn trị số này là bao nhiêu đối với đường ô tô cao tốc ở Việt Nam (chỉ cho phép chạy xe với tốc độ tối đa là 120 km/h) thì cần phải được xác định bằng nghiên cứu thống kê thực nghiệm và chắc chắn sẽ nhỏ hơn.
Còn trị số 0,45 m của "Không gian an toàn phía trên dự phòng cho mọi trường hợp bất lợi" (oberer Sicherheitsraum) cũng là kết quả của nghiên cứu thống kê với tốc độ chạy xe không hạn chế trên đường cao tốc (Autobahn) của Đức, còn đối với đường ô tô không phải cao tốc ở Đức thì tùy theo cấp đường và tĩnh không đứng được quy định chỉ là 4,25 - 4,5 m như bài viết của tôi đã cung cấp. Có nghĩa là với đường ô tô không phải là Autobahn trên toàn châu Âu được phép chạy xe với tốc độ cao nhất lên đến 110 km/h thì không gian an toàn phía trên dự phòng cho mọi trường hợp bất lợi (oberer Sicherheitsraum) có thể bằng 0 hoặc tối đa là 0,25 m.
Do vậy, nếu quy định Htk của đường ô tô cao tốc vẫn giống như TCVN5729-1997 [7] là 4,75 m thì không gian an toàn phía trên dự phòng cho mọi trường hợp bất lợi vẫn còn tối thiểu là:
4,75 m - 4,35 m - 0,25 m = 0,15 m
Là trị số "tối thiểu" vì độ nẩy động học ở đây đang lấy tối đa là 0,25 m ứng với trường hợp chạy xe không hạn chế tốc độ trên Autobahn của Đức.
Xin được cung cấp thêm, "oberer Sicherheitsraum" theo [5] được định nghĩa như sau: "Von festen Hindernissen freizuhaltender Raum oberhalb des Verkehrsraums". Tạm dịch: Không gian an toàn phía trên: Khoảng không gian phía trên khu vực xe lưu thông phải được đảm bảo không bị ngăn trở bởi vật cứng (theo tài liệu của Ủy ban liên ngành về định nghĩa khái niệm của Hiệp hội Nghiên cứu đường bộ và giao thông vận tải Đức, xuất bản 2012.
Qua buổi tọa đàm ngày 15/11/2024 nói trên, tôi thấy giải pháp tốt nhất hiện nay như tôi đã từng kiến nghị là Bộ GTVT cần đề xuất ngay và phối hợp với Bộ KHCN nghiên cứu sửa đổi các quy định cứng nhắc và không hợp lý về kinh tế, an toàn và kỹ thuật liên quan đến tĩnh không đứng trong các tiêu chuẩn TCVN 4054:2005 và TCVN 5729:2012 và trước mắt cần đưa điều 2.4 ra khỏi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024/BGTVT Đường bộ cao tốc.
Thực tế đã chứng minh rằng, dù chiều cao xe chở hàng cho phép là 4,35 m đã được quy định từ năm 2011 nhưng đến nay, các cầu vượt trên mạng đường bộ nước ta có tĩnh không 4,5 m đối với quốc lộ và 4,75 m đối với cao tốc đang đảm bảo an toàn trong khai thác khi các xe ô tô lưu thông tuân thủ quy định về chiều cao theo Khoản 3, Điều 17 Thông tư số 03/2011/TT-BGTVT [6].
Yêu cầu chống lãng phí, nhất là trong hoạt động đầu tư xây dựng, đang được Đảng và Chính phủ đặt lên hàng đầu. Việc tiếp tục yêu cầu nâng tĩnh không đứng cả đường cao tốc và quốc lộ lên 0,25 m đang gây lãng phí rất lớn trong việc đầu tư xây dựng giao thông cần được ngăn chặn.
Tài liệu đã dẫn:
[1]. Bất cập về yêu cầu tịnh không đứng trong xây dựng đường bộ hiện nay ở Việt Nam. Tống Trần Tùng, Tạp chí GTVT, mục Diễn đàn Khoa học, 30/11/2022.
[2]. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024/BGTVT: Đường bộ cao tốc
[3]. Straßenverkehrs-Zulassungs-Ordnung (StVZO). Bundesministeriums der Justiz. 2012.
[4]. RAA - Richtlinien für die Anlage von Autobahnen Ausgabe:2008.
[5]. Querschnittsausschuss: Begriffsbestimmungen -BegriffsbestimmungenTeil: Verkehrsplanung, Straßenentwurf und Straßenbetrieb. Forschungsgesellschaft für Straßen- und Verkehrswesen Ausgabe 2012. (Ủy ban liên ngành về định nghĩa khái niệm - Phần định nghĩa: Quy hoạch giao thông, thiết kế đường và vận hành đường. Hiệp hội Nghiên cứu đường bộ và GTVT (Đức). Xuất bản năm 2012).
[6]. Thông tư số 03/2011/TT-BGTVT: Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/02/2010 của Bộ GTVT "Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hoá trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ".
[7]. TCVN5729:1997 "Đường ôtô cao tốc - Yêu cầu thiết kế/Freeway and Expressway - Specifcation for design".
[8]. TCVN 4054: 2005 "Đường ôtô - Yêu cầu thiết kế/Highway - Specifications for design".
[9]. TCVN5729: 2012 "Đường ôtô cao tốc - Yêu cầu thiết kế/Freeway and Expressway - Specifcation for design".
[10]. Nghị định 186/2004/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.[11]. Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.[12]. QCVN 09:2015/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.