"Phát triển xe điện không phải chỉ nhìn vào số lượng xe bán ra nhiều mà coi đó là sự thành công. Quan trọng, xe điện cần được phát triển đồng bộ với chính sách, công nghệ…, phải làm cho người dân mua xe mà không muốn bỏ", chuyên gia Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan điểm về phát triển xe điện.
Bắc Kinh từng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Nhìn vào thực tế, Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) những năm 2010 - 2013 là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới khi nồng độ bụi mịn PM2.5 bình quân tháng gần đạt mức 160 μg/m3. Trong khi đó, chỉ số PM2.5 bình quân năm 2013 của thành phố này là 89,5 μg/m3, vượt mức tiêu chuẩn quốc gia 35 μg/m3 tới 156%.
Trong đó, phát thải của phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm. Theo thống kê của Bắc Kinh, nguồn bụi mịn PM2.5 do khí thải ô tô chiếm tới 45% nguồn phát thải hình thành bụi mịn, các phương tiện xăng tạo ra 69% hợp chất oxit nitơ và hơn 90% các hạt bụi của tổng lượng phát thải xe cơ giới.
Để giải quyết vấn đề trên, Bắc Kinh đã mạnh tay đầu tư, phát triển hệ thống giao thông xanh với con đường duy nhất là xe điện. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt chính sách nhằm tạo động lực phát triển cho ngành công nghiệp cho tương lai.
Đầu tiên, trong giai đoạn từ 2009 - 2022, nhà chức trách nước này đã chi hơn 200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 29 tỷ USD) dành riêng cho các khoản trợ cấp và giảm thuế cho xe điện nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện.
Tiếp đó, nhiều thành phố tại Trung Quốc đã thực hiện đấu giá hoặc quay số để người dân được đăng ký biển số xe mới. Riêng Bắc Kinh, biển số ô tô xăng/dầu được cấp thông qua quay số, người trúng số được đăng ký xe. Trong khi đó, xe điện được ưu tiên cấp biển số ngay và được giảm 50% phí đăng ký xe cũng như một số khoản phí khác.
Trung Quốc đẩy mạnh chuyển đổi xanh, ưu tiên phát triển trạm sạc.
Ngoài ra, Trung Quốc còn thúc đẩy hạ tầng trạm sạc với hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia đầu tư với gần 11,5 triệu trạm sạc xe điện (tính đến hết năm 2024) và là quốc gia có hệ thống trạm sạc xe điện lớn nhất thế giới. Các trạm sạc điện đều được Chính phủ hỗ trợ giúp giảm phí đầu tư, giảm chi phí cho người sử dụng xe điện. Đồng thời, Trung Quốc cũng có tiêu chuẩn về sạc xe điện nên mọi xe, mọi trạm sạc đều dùng chung một loại cổng sạc.
Trung Quốc cũng khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghệ với các loại pin, động cơ xe điện mới, từ đó không phụ thuộc vào các hãng khác, tự mình phát triển những thương hiệu ô tô điện riêng.
Nhờ kết hợp nhiều yếu tố, Trung Quốc đã có sự phát triển đồng bộ loại hình phương tiện giao thông xanh, số lượng xe điện lớn nhưng trạm sạc luôn đáp ứng nhu cầu của người dùng. Nhờ đó, Bắc Kinh hiện là một trong những thành phố sạch sẽ, chỉ số bụi mịn thấp hàng đầu thế giới.
Nhìn sang châu Âu, Na Uy là tấm gương điển hình về phát triển xe điện, được coi là bài học cho các nước EU.
Na Uy là quốc gia có tỷ lệ sở hữu ô tô điện bình quân đầu người lớn nhất thế giới.
Từ những năm 1990, Chính phủ Na Uy đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện sang xe điện gồm: Giảm thuế, xe điện được đi vào làn xe buýt và giảm phí cầu đường. Ngược lại, thuế, phí và quy định hạn chế cho các phương tiện động cơ đốt trong gây ô nhiễm ngày càng tăng lên ở nước này.
Đặc biệt, Na Uy đã ban hành lệnh cấm bán xe động cơ đốt trong mới 100% áp dụng từ năm 2025. Điều này giúp quốc gia Bắc Âu này có tỷ lệ sử dụng xe điện bình quân đầu người lớn nhất thế giới.
Cùng với phát triển số lượng xe điện, Na Uy còn đẩy mạnh xây dựng mạng lưới trạm sạc với hơn 5.600 trạm sạc nhanh trải dài 1.700 km. Ở đây, người dân chủ yếu sạc xe tại nhà, nhưng số lượng trạm sạc nhanh vẫn dễ dàng bắt gặp.
Trung Quốc và Na Uy đang là hai quốc gia có lượng xe điện, hạ tầng trạm sạc lớn nhất thế giới hiện nay. Việc sử dụng xe điện không chỉ giúp người dân tiết kiệm chi phí mà còn giúp không khí trở nên sạch sẽ hơn, môi trường trong lành hơn.
Trạm sạc chính là yếu tố cốt lõi để người dân tin dùng xe điện.
Điểm chung của hai quốc gia trên đến từ việc Chính phủ đã đầu tư mạnh tay để hỗ trợ, cùng doanh nghiệp phát triển nền công nghiệp xe điện, hạn chế xe động cơ đốt trong gây ô nhiễm môi trường, có quy hoạch trạm sạc, ban hành quy chuẩn chung áp dụng cho việc sạc điện trên toàn quốc.
Quan trọng nhất, Chính phủ Trung Quốc và Na Uy đều có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, từ việc mua xe đến xây dựng hệ thống trạm sạc. Nhờ đó, lượng trạm sạc nhanh công cộng phát triển nhanh, đồng bộ, giúp người dùng không phải lo ngại về vấn đề sạc.
Không chỉ vậy, lượng trạm sạc ở Trung Quốc phân bổ tập trung chủ yếu ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang và Phúc Kiến…, mang đến sự tiện lợi và hài lòng cho người dân.
Việt Nam cần có quy hoạch trạm sạc để người dân sẵn sàng chuyển đổi xe điện.
Trong khi đó, Việt Nam đang gần như thiếu các yếu tố như ở Trung Quốc và Na Uy. Theo đó, quy hoạch trạm sạc, chính sách hỗ trợ phát triển trạm sạc, giảm sự hiện diện của xe động cơ đốt trong… chưa được thực hiện mạnh mẽ, mọi việc từ sản xuất đến hạ tầng doanh nghiệp vẫn phải "tự lực cánh sinh". Bên cạnh việc hỗ trợ lệ phí trước bạ như hiện nay, người dân cần nhiều hơn những hành động từ Chính phủ để không phải lo ngại chờ sạc điện, ngại chuyển đổi từ xe xăng/dầu sang xe điện.
Chính sách hỗ trợ phát triển đồng bộ là giải pháp để doanh nghiệp không "tham bát, bỏ mâm", chạy theo số lượng xe bán ra mà hạ tầng không kịp đáp ứng khiến người tiêu dùng trở thành đối tượng "đứng mũi chịu sào".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.