Chuyện giờ mới kể: Khôi phục đường sắt Thống Nhất sau giải phóng

Đầu tư giao thông 29/04/2025 21:53

Sáng ngày 30/4/1975, cơ quan Viện Thiết kế giao thông vỡ òa trong niềm vui vô bờ bến: Giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Mọi người chụm lại cùng nhau nuốt từng câu, từng chữ khi nghe bản tin Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi theo từng sự kiện lịch sử đất nước đang diễn ra trong ngày vui đại thắng.

Chuyện giờ mới kể: Khôi phục đường sắt Thống Nhất sau giải phóng - Ảnh 1.

Người dân TP. Hồ Chí Minh vui mừng đón đoàn tàu Thống Nhất xuất phát từ Hà Nội vào. Ảnh tư liệu

Nhiệm vụ đầu tiên khôi phục tuyến đường sắt Sa Lung - Quảng Trị

Buổi chiều hôm đó, chúng tôi được về sớm hơn thường lệ. Tôi chuẩn bị sẵn lá cờ đỏ sao vàng trên tay chờ vợ về rủ đi bộ lên Bờ Hồ hòa vào dòng người tưng bừng trong ngày vui đại thắng. Lúc ấy, vợ tôi vừa mang thai con gái đầu lòng được ít lâu.

Những ngày tiếp theo ai cũng hào hứng sẵn sàng chờ để được giao nhiệm vụ mới. Ngành nào, nghề nào cũng bề bộn công việc. Vài tuần tiếp theo chúng tôi phải liên tiếp tổ chức chia tay một số anh em trong đó nhiều người là cán bộ miền Nam tập kết được cử vào tham gia tiếp quản các tỉnh, thành phía Nam.

Các đơn vị của Bộ được giao nhiệm vụ bằng mọi biện pháp khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo chất lượng tốt, an toàn. Viện Thiết kế giao thông và các lực lượng xây dựng giao thông phía Bắc được giao khảo sát thiết kế và thi công khôi phục đường sắt từ Đà Nẵng trở ra.

Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hệ thống đường sắt ở miền Bắc nói chung và đường sắt Hà Nội - Vinh - Sa Lung nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam, vì vậy luôn là mục tiêu trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ.

Với khẩu hiệu nổi tiếng: "Qua sông không cầu, chạy tầu không ga", "Địch phá ta sửa ta đi" rồi "Địch phá ta cứ đi", đội ngũ công nhân cầu đường luôn đương đầu với sự đánh phá ác liệt nhất, chịu đựng hy sinh, gian khổ kiên cường bám cầu, bám đường giữ cho mạch máu giao thông luôn thông suốt. Nhiều công trình cầu, đường bị bom Mỹ đánh phá nhiều lần, sửa đi sửa lại nhưng hầu hết cũng chỉ đạt quy mô khôi phục tạm thời hoặc bán vĩnh cửu.

Lúc đó, Viện Thiết kế được giao nhiệm vụ khảo sát thiết kế khôi phục hầu hết các cầu lớn, cầu trung và đoạn tuyến từ Sa Lung đến Quảng Trị. Đoạn này có chiều dài khoảng 46,3km, nằm trong khu giới tuyến quân sự tạm thời đi qua Dốc Miếu và hàng rào điện từ MacNamara do Mỹ dựng lên hòng ngăn cản con đường chi viện từ Bắc vào Nam. Hầu hết các công trình cầu, cống trên tuyến đều bị phá sập, đoạn này không chạy tầu từ năm 1954.

Viện Thiết kế quyết định thành lập tổng thể khôi phục đường sắt Sa Lung - Quảng Trị với nhiệm vụ khảo sát, thiết kế tại chỗ và theo dõi giải quyết các nội dung phát sinh trong quá trình thi công. Lúc đó, dự án xây dựng được tổ chức thực hiện theo mô hình phối hợp của ba bên: A+B+TK (Ban kiến thiết cơ bản, đơn vị thi công và đơn vị thiết kế).

Tôi được tham gia tổ cầu trong tổng thể gồm các bộ môn chuyên ngành. Khi đó, tôi là một kỹ sư trẻ mới có gần bốn năm kinh nghiệm làm việc ở phòng cầu đường sắt. Ngay lập tức, chúng tôi được phân công lục tìm hồ sơ thiết kế từ thời Pháp thuộc ở Thư viện Quốc gia. Đó là những bản vẽ "in nắng" có từ hơn 50 năm trước, nay khi giở ra phải rất cẩn thận, nhẹ nhàng vì giấy đã bị mục, giòn rất dễ rách, vỡ. Mọi việc chuẩn bị hết sức khẩn trương vì tổng thể được lệnh lên đường sớm nhất có thể.

Hàng chục bản vẽ thiết kế ra đời trong điều kiện "dã chiến"

Sáng 20/5/1975, hai mươi ngày sau giải phóng miền Nam, đoàn chúng tôi vào hiện trường. Viện Thiết kế bố trí các phương tiện tốt nhất có thể đưa đoàn đi làm nhiệm vụ. Nhóm kỹ sư thiết kế khoảng mười người đủ các bộ môn được ưu tiên ngồi trên thùng xe giải phóng (loại có mui bạt che mưa nắng) giữa đống đồ nghề ngổn ngang.

Một băng pháo hồng treo sẵn đuôi xe để đốt làm hiệu lệnh chào mừng khi xuất phát. Thế nào mãi đến lúc xe bắt đầu chạy mới có người nhớ ra. Vậy là xe vừa lăn bánh pháo vừa nổ giòn tan, khói mù mịt trên đoạn đừng ngoằn ngoèo từ sân Viện qua cổng 278 phố Hàng Bột (nay là đường Tôn Đức Thắng), phải một quãng đường mới hết.

Hôm sau, cả đoàn háo hức chờ đón giây phút xe chạy qua cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải lịch sử. Chiều tối thì đến thị xã Đông Hà. Đại bản doanh của tổng thể nằm ở một làng nhỏ bên bờ sông Hiếu ngay sát vị trí cầu Đông Hà lúc đó chỉ còn những nhịp dàn thép đổ gục xuống lòng sông.

Chúng tôi được chính quyền địa phương liên hệ sắp xếp chỗ ở và làm việc trong các nhà dân. Bếp và nhà ăn được dựng bằng tranh tre nứa lá sát bờ tản ngạn sông Hiếu. Từ đây đi chợ và thị trấn Đông Hà chỉ khoảng một cây số, còn ra khỏi làng là đã gặp ngay tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ăn ở, đi lại khá thuận tiện cho công việc.

Hầu hết dân làng đều mới trở về sau thời gian dài chạy loạn bởi vậy nhà cửa khá đơn sơ, nhà nào cũng chỉ lợp mái tôn. Nhiều nhà xung quanh được che bằng vách tôn hoặc vách gỗ. Dưới nắng hè gay gắt và gió Lào hầm hập ở Quảng Trị ngồi ngoài trời dưới bóng lũy tre xanh còn cảm thấy dễ chịu hơn trong nhà. Nhưng đấy là chỗ ở và "văn phòng" tốt nhất mà chúng tôi có thể có được lúc đó. Trong mắt bà con cô bác, chúng tôi là các "cán bộ giải phóng" đi làm nhiệm vụ quan trọng đặc biệt nên mọi cử chỉ, lời ăn tiếng nói đều phải chú ý.

Những khó khăn bỡ ngỡ được sắp xếp ổn thỏa trong vài ngày đầu. Chúng tôi lên kế hoạch công tác trao đổi thống nhất và thực hiện. Mọi việc được tuần tự tiến hành từ khâu thị sát thực địa, lập đề cương khảo sát, thiết kế sơ bộ phương án khôi phục, tổ chức nghiệm thu tài liệu hiện trường, lên phương án bố trí chung và phối hợp với tổng thể đến việc thiết kế tại chỗ một số hạng mục kết cấu để giao ngay bản vẽ cho đơn vị xây lắp chuẩn bị thi công.

"Thiết kế tại chỗ" hay "vừa thiết ké, vừa thi công" nôm na là như vậy. Theo cách này đòi hỏi trách nhiệm của các bộ phận rất cao, làm đến đâu phải chuẩn đến đấy, không thể có chuyện giao thi công xong rồi lại sửa. Khôi phục khẩn cấp đường sắt Thống Nhất - công trình quy mô quốc gia là dự án duy nhất trong cuộc đời làm nghề tôi được tham gia thực hiện theo hình thức này.

Làm việc miệt mài khoảng hai tháng sau chúng tôi đã hoàn thành công việc hiện trường và tập trung vào tính toán thiết kế. Phương tiện, công cụ và các "bảo bối" đơn giản chỉ là thước tính logarit (loại rút tay), bàn tính gẩy, eke, thước nhựa, bút chì loại 2B của nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà,… Cẩm nang mang theo là cuốn "Sổ tay thiết kế nhanh cầu cống" của Tổng công trình Đỗ Hựu, cuốn sách "Bảng để thiết kế cầu" bằng tiếng Nga và mấy tập thiết kế định hình các loại dầm thép có sẵn trong kho vật tư của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng).

Hành trang trên người là những cái đầu của các nhà thiết kế được phát huy tối đa theo phương châm "Ba anh thợ giầy hợp lại bằng Gia Cát Khổng Minh". Có gì bí quá thì gọi điện về "đại bản doanh" ở Hà Nội xin trợ giúp. Ngày qua ngày đồ án thiết kế khôi phục cầu, cống trên đoạn Sa Lung - Quảng Trị lần lượt hiện hình. Mỗi công trình vài chục bản vẽ được ra đời trong điều kiện hết sức "dã chiến".

Khoảng tháng 10/1975, tổ cầu đã cơ bản hoàn thành đồ án thiết kế kỹ thuật khôi phục ba cầu lớn: Thạch Hãn, Đông Hà, Tiên An và sáu cầu trung: Ái Từ, Nguyệt Biều, Nham Biều, Trúc Khê, Lê Môn (thay thế cống vòm đã bị phá hỏng), Sa Lung cùng vài chục cầu nhỏ, cống trên đoạn tuyến. Mấy trăm bản vẽ được cuộn bọc xếp cẩn thận. Cuối tháng 10/1975, tổng thể nhận lệnh kết thúc công việc hiện trường, khẩn trương về Hà Nội làm thủ tục phê duyệt, in ấn, phát hành hồ sơ thiết kế.

Vậy là đã hơn 5 tháng kể từ lúc xa nhà, lần đầu trong đời được đi qua cầu Hiền Lương - vĩ tuyến 17 ngày và đêm lịch sử nay hoàn thành nhiệm vụ trở về cảm giác thật nhẹ nhõm. Cuối tháng 11 năm đó, vợ tôi sinh con gái đầu lòng. Tôi được lên chức bố.

Chuyện giờ mới kể: Khôi phục đường sắt Thống Nhất sau giải phóng - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt Thống Nhất hiện nay

Thông tuyến đường sắt thống nhất sau hơn 30 năm gián đoạn

Tháng 11/1975, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra quyết định về việc khẩn trương khôi phục đường sắt Thống Nhất. Vừa ở nhà bế con được ít hôm tôi lại nhận lệnh lên đường vào công trường, lần này với nhiệm vụ là "thường trực thiết kế".

Tôi có mặt ở công trường suốt năm 1976, vừa bám sát công việc vừa dành thời gian rảnh tìm hiểu vùng địa danh lịch sử oai hùng nhưng cũng rất đau thương. Niềm vui lớn là được làm việc với anh em đồng nghiệp, đồng cam cộng khổ để hàng ngày nhìn thất bóng dánh những công trình hình hiện lên, được tiếp xúc học hỏi các anh lớn tuổi từng trải nghề nghiệp, được gần gũi học anh em công nhân cầu, đường để biết thế nào là "mưu thầy, mẹo thợ".

Được sống tròn một năm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt miền Trung mùa mưa thối đất thối cát, mùa hè chang chang nắng lửa gió Lào để cảm nhận tình người, tình nghề bằng con mắt trong vắt như bầu trời "vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị".

Ngày 31/12/1976, lễ khánh thành thông xe đợt một đường sắt Thống Nhất chào mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ IV được đồng thời tổ chức tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn. Sau 14 tháng thi công, đường sắt Thống Nhất đã hoàn thành nối liền Thủ đô Hà Nội với TP.Hồ Chí Minh sau hơn 30 năm gián đoạn.

Những người được vinh sự tham gia đại công trưởng "khôi phục đường sắt Thống Nhất" với niềm tự hào và hạnh phúc tràn ngập xốc lại hành trang, tiếp tục hành trình đến những công trình mới.

Ý kiến của bạn

Bình luận