Dù nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng trong tâm trí của TS Nguyễn Ngọc Long - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) vẫn nhớ như in cảnh tượng về hệ thống hạ tầng đường bộ những năm đầu sau khi đất nước thống nhất.
“Riêng hệ thống đường bộ, thời điểm ấy, chúng ta chỉ có một tuyến quốc lộ huyết mạch Bắc - Nam là QL1, nhưng tuyến đường này cũng chỉ rộng 9 m, một số đoạn chừng 7 m. Ngoại trừ 30 km tuyến QL21 đoạn Xuân Mai - Hòa Lạc do Cuba làm giúp được thảm nhựa, còn lại tất cả các tuyến đường khác toàn là đường đất, cấp phối... Ngay cả đường mòn Hồ Chí Minh, con đường có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng ở khu vực phía Tây cũng xấu vô cùng, đi lại rất khó khăn”, ông Long nhớ lại.
Theo ông Long, giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1985 do khó khăn về nguồn vốn nên việc khôi phục hệ thống hạ tầng giao thông sau chiến tranh diễn ra rất chậm. Công cuộc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chỉ thực sự bắt đầu khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới với dự án đầu tiên được triển khai là dự án khôi phục mạng lưới GTVT do Ngân hàng Thế giới (WB) viện trợ không hoàn lại. Dự án này được hoàn thành vào năm 1992, kể từ đó, ngành GTVT mới bắt đầu hình thành mô hình các BQLDA để tiếp nhận nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ nước ngoài.
Từng gắn bó hàng chục năm trong ngành Xây dựng, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhớ lại: “Từ năm 1986 khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước nhận thấy cần phải ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Lúc đó, hai tuyến đường bộ trọng điểm là QL1 và đường Hồ Chí Minh mới được quyết định đầu tư để tiến hành cải tạo nâng cấp”.
“Tôi có may mắn khi được theo dõi trực tiếp giai đoạn thi công hai dự án giao thông đường bộ trọng điểm này. Khi đó, dự án nâng cấp QL1 được thực hiện trong giai đoạn 1990 - 2000 theo tiêu chuẩn đường cấp III, với quy mô 2 làn xe trên toàn tuyến. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối liền Bắc - Nam, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh”, ông Chủng nói.
Đối với dự án đường Hồ Chí Minh, ông Chủng cho biết, nhánh phía Đông của dự án khởi công giữa năm 2000, tuyến đường kéo dài từ Bắc vào Nam, song song với QL1 bắt đầu từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các vùng kinh tế, đặc biệt là các tỉnh miền núi, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Trong vai trò là chuyên gia của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, sau này là Ủy viên trường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) (1996 - 2008), ông Chủng là người chứng kiến những khó khăn, hạn chế và vấn đề kỹ thuật phức tạp trong việc nâng cấp tuyến QL1 và làm mới đường Hồ Chí Minh mà chúng ta đã vượt qua: Từ các yếu tố địa hình, địa chất công trình, địa chất thủy văn, đến các thách thức của khí hậu khắc nghiệt...
“Đến giờ tôi vẫn chưa thể nào quên hình ảnh những người thợ cầu đường phải trực tiếp thảm bê tông nhựa thủ công dưới cái nắng cháy da cháy thịt với nhiệt độ bê tông lên tới hơn 100 độ C ở những đoạn tuyến qua địa bàn miền Trung. Nhìn lại những năm tháng đó, so với những công trường thi công hệ thống đường cao tốc hôm nay, mới thấy trân trọng vô cùng những nỗ lực của thế hệ những người mở đường đi trước trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn”, ông Chủng hồi tưởng.
Sau gần 10 năm đất nước đổi mới, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu vận tải ngày càng cao, trong khi các tuyến quốc lộ hiện hữu đã quá tải trầm trọng, vào năm 1995 Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT tiến hành nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến "tiền" cao tốc đầu tiên trên cả nước là đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ.
TS Nguyễn Ngọc Long nhớ lại, sau hơn 3 năm triển khai nghiên cứu, ngày 04/9/1998, dự án đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 30 km, tổng mức đầu tư khoảng hơn 26 triệu USD chính thức được khởi công xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới.
Dự án này được Bộ GTVT tổ chức đấu thầu quốc tế cả tư vấn và nhà thầu xây lắp. Trong đó, nhiều nhà thầu trong nước nằm trong các liên danh hoặc làm thầu phụ để tổ chức thi công. “Chỉ hơn 2 năm tổ chức thi công, dự án đã hoàn thành vào ngày 30/12/2000. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên được xây dựng trên cả nước, cũng là phân đoạn khởi nguồn cho tuyến cao tốc Bắc - Nam sau này”, ông Long nói.
Theo ông Long, sau khi hoàn thành tuyến cao tốc đầu tiên ở phía Bắc, đến năm 2003, Bộ GTVT tiến hành nghiên cứu đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc thứ hai trong cả nước là TP.HCM - Trung Lương đi xuyên 3 tỉnh, thành: TP.HCM, Long An và Tiền Giang.
Khác với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đầu tư bằng vốn ODA, cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đầu tư bằng toàn bộ vốn ngân sách, với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 6.555 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm chuẩn bị đầu tư, ngày 16/12/2004, dự án chính thức được phát lệnh khởi công xây dựng.
Điều đặc biệt của cao tốc TP.HCM - Trung Lương là trong 40 km đường cao tốc của dự án được bố trí 15,8 km cầu cạn và các cầu vượt sông. Do phạm vi chiều dài cầu cạn lớn, để có thể công xưởng hóa sản xuất cấu kiện hàng loạt, dễ thi công lắp đặt, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu, đề xuất việc thiết kế định hình các kết cấu nhịp cầu cạn sử dụng loại thanh dầm dạng SuperT là kết cấu dầm lòng máng dạng chữ U bằng bê tông dự ứng lực, sản xuất cấu kiện trong xưởng và vận chuyển tới lắp đặt ở hiện trường.
Sau 5 năm triển khai xây dựng, dự án được đưa vào khai thác tạm thời ngày 03/02/2010 đúng dịp chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến ngày 18/02/2011, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã chính thức nghiệm thu toàn bộ dự án.
Đi qua những ngày khó khăn, làm đường chủ yếu bằng sức người, đến những đoạn tuyến cao tốc đầu tiên ở hai đầu đất nước, đã đánh dấu bước chuyển mới cho hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam; là những bài học thực tiễn vô cùng quý giá để các đơn vị tư vấn, thi công của Việt Nam trưởng thành, dần lớn mạnh.
Theo ông Phạm Hữu Sơn - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), sau khi đầu tư hai tuyến cao tốc đầu tiên, thời điểm đến 2010, cả nước có 89 km đường cao tốc. Tiếp đó, giai đoạn từ 2010 đến nay, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã tập trung đầu tư và hoàn thành hàng loạt tuyến đường cao tốc bằng nhiều loại hình, nguồn vốn khác nhau từ vốn ngân sách, vốn vay ODA, vốn xã hội hóa, như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai (hoàn thành năm 2014), Hà Nội - Hải Phòng (2015), TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (2015), Quảng Ninh - Hải Phòng (2019)... Đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) với chiều dài 654 km đã hoàn thành, đưa vào khai thác những phân đoạn cuối cùng vào đầu năm 2024.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, nếu giai đoạn đến trước năm 2020, cả nước chỉ có khoảng 1.163 km đường cao tốc thì giai đoạn từ năm 2020 đến nay (tính đến đầu tháng 4/2025), cả nước đã bổ sung thêm khoảng 858 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc đã hoàn thành đưa vào khai thác trên cả nước lên 2.021 km.
Ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, trong năm 2025, Bộ Xây dựng và các địa phương đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác thêm khoảng 1.188 km đường cao tốc, tập trung ở các đoạn tuyến thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi... đảm bảo mục tiêu cả nước sẽ có hơn 3.000 km được đưa vào khai thác cuối năm 2025 theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, ngay trong tháng 4/2025, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước, Bộ Xây dựng dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác 2 đoạn cao tốc dài 90 km gồm: Bến Lức - Long Thành (20 km) và đoạn cuối dự án Vân Phong - Nha Trang (70 km); thông xe tuyến chính 4 dự án dài 158 km, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, 5 dự án (Vũng Áng - Bùng; Vạn Ninh - Cam Lộ; Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Quy Nhơn - Chí Thạnh; Hòa Liên - Túy Loan và 13 km còn lại của đoạn Vân Phong - Nha Trang), tổng chiều dài 278 km, Bộ Xây dựng đang phấn đấu thông xe vào cuối tháng 9/2025. Đối với các dự án còn lại như: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Chí Thạnh - Vân Phong, Cần Thơ - Hậu Giang, Vành đai 3 TP.HCM... đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm 2025.
Không chỉ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai thi công, trong chỉ đạo đưa ra vào đầu tháng 4/2025, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh còn yêu cầu các đơn vị liên quan phải đẩy nhanh thủ tục để khởi công nhiều dự án đường bộ, cao tốc quy mô lớn ngay trong tháng 5 và tháng 6/2025.
Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu đối với dự án mở rộng cao tốc La Sơn - Hòa Liên, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, các chủ đầu tư phải đẩy nhanh thủ tục để khởi công trong tháng 5/2025; dự án cầu Ninh Cường, dự án cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 2 khởi công trong tháng 6/2025; dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công đầu quý III/2025…
Giai đoạn 2026 - 2030, ngành Xây dựng tiếp tục đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương triển khai thi công hàng loạt dự án cao tốc trọng điểm khác (35 dự án, tổng chiều dài 2.074 km) như: Hòa Bình - Mộc Châu, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Ninh Bình - Hải Phòng để đảm bảo hoàn thành mục tiêu có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 theo đúng yêu cầu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, hiện thực hóa chủ trương đột phá chiến lược xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.