Các khu tái định cư góp phần bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án đường sắt tốc độ cao. Ảnh minh họa.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài khoảng 95,33 km (từ Km113+800 đến Km209+130), đi qua 18 xã, phường.
Tổng diện tích đất bị thu hồi để phục vụ thi công đoạn tuyến này khoảng 572,99 ha, trong đó có 91,56 ha đất ở và 481,43 ha là đất nông nghiệp và các loại đất khác. Theo thống kê, dự án ảnh hưởng trực tiếp đến 2.107 hộ dân và 41 công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền địa phương quản lý.
Để bảo đảm chỗ ở ổn định cho các hộ dân phải di dời, tỉnh Thanh Hóa dự kiến xây dựng 39 khu tái định cư tại 16 xã, phường, với tổng diện tích khoảng 300 ha. Tổng mức đầu tư cho các khu tái định cư này là khoảng 3.873 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Việc triển khai các khu tái định cư được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm tiến độ GPMB cho dự án đường sắt tốc độ cao.
Tính đến thời điểm hiện tại, một khu tái định cư tại thôn Mỹ Phong, xã Công Chính đã hoàn thiện hạ tầng và sẵn sàng bàn giao; 8 khu đã được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán và đang tiến hành công tác GPMB; một khu đã được lập quy hoạch chi tiết và đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư; 28 khu đang triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết; riêng một khu tại xã Trung Chính đang được tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về vị trí xây dựng.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và địa phương liên quan khẩn trương rà soát, cập nhật chính xác diện tích các loại đất bị ảnh hưởng, số lượng hộ dân có nhu cầu tái định cư, tình hình các công trình công cộng và cơ sở sản xuất kinh doanh bị tác động bởi dự án.
Kết quả rà soát phải được gửi về Sở Xây dựng, Sở NN&MT trước ngày 11/7/2025 để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét quyết định phương án triển khai tiếp theo.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương phối hợp cùng Sở Xây dựng, Công ty Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị truyền tải điện tiến hành kiểm tra toàn bộ các công trình điện từ 110 kV trở lên nằm trong phạm vi GPMB, xây dựng phương án di dời phù hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của nhân dân trong vùng dự án.
Chính quyền các xã, phường nơi có tuyến đi qua cũng được yêu cầu chủ động làm việc với các hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng để ghi nhận đầy đủ nhu cầu cụ thể, đề xuất phương án hỗ trợ di dời phù hợp, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.
Về lâu dài, Thanh Hóa định hướng phát triển các khu vực xung quanh các ga hành khách thuộc tuyến đường sắt tốc độ cao theo mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD - mô hình phát triển đô thị hiện đại, lấy trục giao thông công cộng làm trung tâm, với bán kính phục vụ trong khoảng cách đi bộ thuận tiện). Đây sẽ là những hạt nhân đô thị mới, kết nối các loại hình giao thông như: Đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và giao thông đô thị, góp phần hình thành không gian đô thị hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
Việc đầu tư khoảng 3.873 tỷ đồng cho các khu tái định cư không chỉ là bước đi chiến lược phục vụ thi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mà còn thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện tốt công tác GPMB, ổn định đời sống nhân dân và tạo nền tảng phát triển hạ tầng đô thị hiện đại.
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và sự đồng thuận của người dân, công tác chuẩn bị và triển khai các khu tái định cư đang được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án đường sắt tốc độ cao trong thời gian tới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.