Công ty Cổ phần Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng đã và đang nỗ lực tham gia phát triển hạ tầng giao thông quốc gia (Ảnh minh họa).
Vừa qua, phóng sự "Doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia: Từ làm chủ công nghệ đến đón đầu cơ hội" được phát sóng trên kênh VTV1 vào lúc 20h55 ngày 21/5 trong chuyên mục "Thương hiệu Quốc gia Việt Nam". Nổi bật trong phóng sự này là hành trình tiên phong nội địa hóa sản phẩm cơ khí giao thông Việt Nam và đón đầu các cơ hội ngành Đường sắt.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất về xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm, được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện từ năm 2003.
Thương hiệu Quốc gia Việt Nam không chỉ là biểu tượng danh giá mà còn là thước đo uy tín và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Dựa trên các tiêu chí khắt khe và Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong, năm 2024 từ hơn 1.000 hồ sơ đăng ký, chỉ 190 doanh nghiệp xuất sắc được vinh danh.
Đặc biệt, lần đầu tiên ngành cơ khí giao thông Việt Nam có đại diện đạt chứng nhận cao quý này, đó là Công ty Cổ phần Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng. Hành trình tiên phong nội địa hóa sản phẩm cơ khí giao thông Việt Nam và đón đầu các cơ hội ngành Đường sắt của Vĩnh Hưng chiếm phần lớn thời lượng của phóng sự.
Theo đó, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, nội địa hóa công nghệ đang nổi lên như một chiến lược trọng yếu giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, kiểm soát tốt hơn chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp đã đạt chứng nhận Thương hiệu Quốc gia, việc làm chủ công nghệ trong nước không chỉ là một lợi thế, mà còn trở thành yếu tố then chốt để xây dựng bản sắc thương hiệu bền vững và khác biệt.
Định hướng phát triển công nghiệp trong nước càng trở nên cấp thiết khi Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu hiện đại hóa toàn bộ các tuyến đường sắt hiện hữu, đồng thời đầu tư xây dựng mới một số tuyến huyết mạch như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển, khu công nghiệp và cửa khẩu quốc tế. Xa hơn, tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn thiện mạng lưới đường sắt quốc gia hiện đại, đồng bộ, đáp ứng hiệu quả nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa trong giai đoạn tăng trưởng cao.
Trọng tâm trong lộ trình phát triển này là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với tốc độ thiết kế lên đến 350km/h, nhằm rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thúc đẩy giao thương giữa hai cực kinh tế lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, các tuyến kết nối liên vùng như Hà Nội - Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ cũng được chú trọng đầu tư để tạo thành một mạng lưới giao thông thống nhất, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm giải quyết bài toán ùn tắc và ô nhiễm môi trường đô thị.
Bối cảnh này đang mở ra "cơ hội vàng" cho các doanh nghiệp cơ khí giao thông nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành Đường sắt hiện đại. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là những yêu cầu khắt khe về năng lực công nghệ, chuẩn chất lượng sản phẩm và khả năng tích hợp tiêu chuẩn quốc tế. Trước những thách thức đó, một số doanh nghiệp Việt đã chủ động triển khai chiến lược chuyển đổi toàn diện để không chỉ tham gia, mà còn chiếm lĩnh vai trò dẫn dắt trong chuỗi giá trị ngành.
Điển hình trong số này là Công ty Cổ phần Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng. Trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam, ông Võ Tá Lương - Tổng giám đốc Công ty cho biết: "Vĩnh Hưng liên tục đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển, đi tắt đón đầu nhu cầu trong tương lai của thị trường. Từ đó cung cấp các sản phẩm vừa đảm bảo an toàn, chất lượng cao, đồng thời giúp hạ giá thành cho công trình. Đối với những sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam chưa sản xuất được cho ngành Đường sắt, Vĩnh Hưng đã và đang đàm phán với các tập đoàn hàng đầu thế giới để nhận chuyển giao công nghệ, hướng tới nội địa hóa sản xuất trong nước".
Thực tiễn cho thấy, trong điều kiện Việt Nam đang từng bước tái cấu trúc công nghiệp theo hướng xanh và công nghệ cao, những doanh nghiệp như Vĩnh Hưng đang góp phần định hình lại tiêu chuẩn phát triển của ngành hạ tầng giao thông quốc gia. Việc làm chủ công nghệ cốt lõi không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian triển khai dự án, mà còn nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt trên bản đồ công nghiệp khu vực và toàn cầu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.