Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Phú Quốc.
Một góc Cảng HKQT Phú Quốc
Tại dự thảo Nghị quyết này (gồm 5 điều), Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ thống nhất về chủ trương nghiên cứu đầu tư mở rộng Cảng HKQT Phú Quốc nhằm phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027; phân cấp cho UBND tỉnh Kiên Giang quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư mở rộng Cảng HKQT Phú Quốc. Trình tự và thủ tục quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thực hiện như đối với dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
Theo đó, một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo Nghị quyết đang được lấy ý kiến là việc thống nhất thu hồi và chuyển giao nguyên trạng tài sản kết cấu hạ tầng Cảng HKQT Phú Quốc do Nhà nước đầu tư, quản lý từ Bộ Xây dựng về UBND tỉnh Kiên Giang để tổ chức thực hiện dự án đầu tư mở rộng cảng hàng không thuộc tỉnh Kiên Giang này đúng tiến độ.
Việc chuyển giao hạ tầng Cảng HKQT Phú Quốc về địa phương quản lý không chỉ là giải pháp linh hoạt để kịp thời chuẩn bị cho APEC 2027 mà còn mở ra hướng tiếp cận mới trong quản trị đầu tư hạ tầng sân bay, đặc biệt tại các địa phương có vị thế chiến lược như Phú Quốc.
Được biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không quốc gia giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, Cảng HKQT Phú Quốc là sân bay cấp 4E, với công suất dự kiến đạt 10 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 18 triệu khách/năm vào năm 2050.
Cũng theo quy hoạch, giai đoạn 2021–2030, Cảng HKQT Phú Quốc sẽ được kéo dài đường băng hiện hữu đạt quy mô 3.500m x 45m, đồng thời quy hoạch thêm đường băng số 2 với thông số tương tự, cách đường băng hiện tại khoảng 360m về phía Bắc.
Hiện đã có một nhà đầu tư trong nước đề xuất nghiên cứu và đầu tư giai đoạn II mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc theo phương thức PPP. Dự án đề xuất nâng công suất nhà ga hành khách lên 18–20 triệu lượt khách/năm, nhà ga hàng hóa đạt 50.000 tấn/năm, xây dựng nhà ga VIP quy mô khoảng 6.000m², kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu lên 3.500m; xây dựng nhà ga T2 và nhà ga VIP; sân đỗ máy bay từ 70-80 chỗ...
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cam kết thực hiện các hạng mục nâng cấp đồng bộ bao gồm: cải tạo đường băng hiện hữu, xây dựng đường băng mới, các công trình phụ trợ, điều chỉnh vị trí Đài kiểm soát không lưu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Đáng chú ý, nhà đầu tư này cam kết sử dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới và hoàn thành toàn bộ dự án trong 16–18 tháng sau khi bàn giao mặt bằng – rút ngắn đáng kể so với khung thời gian theo quy định hiện hành.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.