Đề xuất đầu tư hơn 19.500 tỷ đồng làm cao tốc Vinh - Thanh Thủy

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đầu tư giao thông 09/05/2025 10:42

Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư xây dựng đường cao tốc Vinh - Thanh Thủy.

Đề xuất đầu tư hơn 19.500 tỷ đồng làm cao tốc Vinh - Thanh Thủy - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Xây dựng cao tốc 4 làn hoàn chỉnh, kiến nghị áp dụng hình thức đầu tư công

Theo đó, dự án được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài khoảng 65 km, điểm đầu tại Km0 giao với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt tại nút giao Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; điểm cuối tại khu vực cặp cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On biên giới Việt Nam - Lào, tỉnh Nghệ An.

Về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, giai đoạn hoàn thiện quy mô 6 làn xe cao tốc; trước mắt đầu tư giai đoạn 1 theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh, các cầu lớn trên tuyến có quy mô 6 làn xe. Tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tuyến cao tốc với vận tốc thiết kế 100-120km/h (đoạn khó khăn vận tốc thiết kế 60-80km/h) theo TCVN 5729:2012.

Theo dự báo nhu cầu vận tải, đến năm 2030 lưu lượng xe trên tuyến khoảng 21.828 PCU/ngày đêm (tương đương quy mô 4 làn xe) và đến năm 2045 lưu lượng xe trên tuyến khoảng 57.717 PCU/ngày đêm (tương đương quy mô 6 làn xe).

"Vì vậy, để phù hợp với nhu cầu vận tải và nguồn lực, Bộ Xây dựng nhận thấy trước mắt đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe và các cầu lớn trên tuyến có quy mô 6 làn xe, giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn xe như đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An tại văn bản số 3192/UBND-CN ngày 18/4/2025 là có cơ sở", Bộ Xây dựng nêu rõ và cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.591 tỷ đồng.

Về hình thức đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết, UBND tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu các phương án đầu tư, trong đó thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không khả thi.

Cụ thể, trường hợp dự án thực hiện theo hình thức BOT, qua sơ bộ tính toán, nếu vốn nhà nước tham gia dự án bằng 50% tổng mức đầu tư, thời gian hoàn vốn của dự án lớn hơn 40 năm dẫn đến khó hấp dẫn nhà đầu tư và ngân hàng cho vay. Mặt khác, dự án không đáp ứng tiêu chí theo quy định tại điểm 2a khoản 16 Điều 3 Luật số 57/2024/QH15 ngày 29/11/2024, do vậy không được áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án bằng 70% tổng mức đầu tư8.

Trường hợp dự án thực hiện theo hình thức BT, theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An sẽ khó khả thi do phải quy hoạch khu vực giao đất cho nhà đầu tư khoảng 300 ha trong khi quy hoạch nguồn quỹ đất đối ứng của địa phương hạn chế.

Từ thực tiễn triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) theo hình thức PPP gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng nên giai đoạn 1 dự kiến đầu tư 11/11 dự án thành phần theo phương thức PPP nhưng không thành công, chỉ triển khai được 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia hỗ trợ trên 50% tổng mức đầu tư; đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã quyết định đầu tư với toàn bộ 12 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công. Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị: Quá trình triển khai, trường hợp có nhà đầu tư quan tâm thực hiện đầu tư theo phương thức PPP sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về cơ quan chủ quản, tại văn bản số 3192/UBND-CN ngày 18/4/2025, trường hợp dự án được triển khai theo hình thức đầu tư công, UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Tuy nhiên, tại văn bản số 1789/VPCP-KTTH ngày 23/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giao UBND tỉnh Nghệ An là cơ quan chủ quản để triển khai dự án.

Nghiên cứu áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ

Thông tin về lộ trình dự kiến tiến độ triển khai dự án, Bộ Xây dựng cho biết, dự án phải thu hồi 100 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, theo quy định là dự án quan trọng quốc gia và Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Theo tính toán của UBND tỉnh Nghệ An tại văn bản số 3192/UBND-CN ngày 18/4/2025, trường hợp áp dụng đấu thầu thông thường thì thời gian thực hiện từ ngày có chủ trương đầu tư đến khi khởi công là 419 ngày (khoảng 14 tháng), hoàn thành dự án trong 30 tháng

Trường hợp áp dụng cơ chế đặc thù (chỉ định thầu) thì thời gian thực hiện từ ngày có chủ trương đầu tư đến khi khởi công là 379 ngày (khoảng 12 tháng 14 ngày), hoàn thành dự án trong 30 tháng.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An đánh giá việc dự kiến khởi công dự án vào dịp lễ Quốc khánh ngày 2/9/2025 là không khả thi. Để rút ngắn thời gian thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án, tỉnh Nghệ An đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù cho dự án kèm theo văn bản số 3192/UBND-CN ngày 18/4/2025.

"Bộ Xây dựng nhận thấy, trong quá trình hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, cơ quan chủ quản sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các quy định hiện hành và căn cứ tình hình thực tiễn để đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư dự án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận làm căn cứ để triển khai", Bộ Xây dựng cho biết.

Để sớm triển khai và hoàn thành dự án, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai dự án theo hình thức đầu tư công (có sử dụng một phần ngân sách địa phương) và giao UBND tỉnh Nghệ An là cơ quan chủ quản để triển khai thực hiện dự án theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1789/VPCP KTTH ngày 23/4/2025.

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024 để chuẩn bị đầu tư dự án và nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để triển khai thực hiện dự á.

Đồng thời Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Nghệ An (trường hợp được giao là cơ quan chủ quản) nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho dự án như kiến nghị của UBND tỉnh Nghệ An tại văn bản số 3192/UBND-CN ngày 18/4/2025 trong quá trình hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

"Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng và cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản số 3171/VPCP-CN ngày 14/4/2025; làm việc với phía Lào để huy động các nguồn lực sớm đầu tư đoạn tuyến cao tốc Thanh Thủy - Viêng Chăn, kết nối đồng bộ với đoạn tuyến Vinh - Thanh Thủy để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư tuyến cao tốc này", Văn bản nêu rõ.

Theo Bộ Xây dựng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vinh - Thanh Thủy là cần thiết, nhằm triển khai các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII và các Nghị quyết của Bộ Chính trị; tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Lào; hoàn thiện và phát triển mạng lưới đường bộ kết nối hai nước; tạo không gian mới phục vụ phát triển kinh tế tỉnh Nghệ An, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ cửa khẩu Thanh Thủy đến các trung tâm đô thị lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An và cảng biển Nghệ An.


Ý kiến của bạn

Bình luận