Ảnh minh họa
Tuyến Quốc lộ 27C sẽ mãn tải trước năm 2030
Đề cập đến sự cần thiết đầu tư dự án, Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, Quốc lộ 27C dài 120 km là tuyến đường độc đạo nối TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trên tuyến có đèo Khánh Lê dài khoảng 30 km, địa hình quanh co hiểm trở, không thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển trọng tải lớn, thời gian di chuyển mất khoảng 4 giờ.
Quốc lộ 27C hiện tại có quy mô đường cấp IV-III, khả năng thông hành tối đa khoảng 10.000 PCU/ ngày đêm. Theo nghiên cứu sơ bộ, dự báo nhu cầu vận tải trên hành lang Nha Trang - Đà Lạt dọc theo Quốc lộ 27C, đến năm 2030 khoảng 10.875 PCU/ngày đêm.
Như vậy, tuyến Quốc lộ 27C sẽ mãn tải trước năm 2030. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa nhận định việc đầu tư tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trước năm 2030 là cần thiết, đặc biệt trong điều kiện tuyến Quốc lộ 27C thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão và đã có các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.
Bộ Xây dựng nhận thấy, lưu lượng xe trên tuyến Quốc lộ 27C đến năm 2030 theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hoà so với khả năng thông hành theo quy mô hiện tại là không lớn (chênh lệch khoảng 875 PCU/ngày đêm). Tuy nhiên, việc lưu thông qua tuyến Quốc lộ 27C là rất khó khăn vào mùa mưa lũ, đặc biệt là đoạn qua đèo Khánh Lê hàng năm thường xuyên xảy ra sụt trượt.
Trong khi đó, việc lưu thông qua tuyến Quốc lộ 27B, Quốc lộ 27 với chiều dài khoảng 200 km mất rất nhiều thời gian, khó thu hút các phương tiện di chuyển qua các tuyến này. Vì vậy, việc đầu tư tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trước năm 2030 là có thể xem xét.
Về mặt quy hoạch, theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt - Liên Khương cơ bản tuân thủ theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, có điều chỉnh một số đoạn nhằm đảm bảo yếu tố kinh tế - kỹ thuật, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, khắc phục khó khăn địa hình đồi núi, hạn chế diện tích chiếm dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng qua khu vực vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Tổng thể tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt - Liên Khương dài khoảng 99 km, có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối tại chân đèo Prenn (điểm cuối cao tốc Liên Khương - Prenn) thuộc phường 3, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, chia thành 2 đoạn: Nha Trang - Đà Lạt dài khoảng 80,8 km và Đà Lạt - Liên Khương dài khoảng 18,2 km.
Địa phương đề xuất đầu tư đoạn Nha Trang - Đà Lạt (điểm đầu giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa và điểm cuối tại ngã ba Đarahoa, phường 12, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) trước năm 2030 để ưu tiên kết nối giữa hai thành phố Nha Trang và Đà Lạt, khắc phục những tồn lại của Quốc lộ 27C, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển du lịch và kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Bộ Xây dựng nhận thấy, về cơ bản điểm đầu và điểm cuối của tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương không thay đổi so với Quy hoạch được duyệt, chỉ thay đổi chiều dài tuyến.
Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch ngành Quốc gia, trong đó xác định hướng kết nối, quy mô và lộ trình đầu tư của các tuyến cao tốc, còn chiều dài tuyến chỉ là dự kiến do bước lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ chưa có điều kiện để khảo sát kỹ lưỡng các phương án hướng tuyến. Chiều dài, hướng tuyến cụ thể sẽ được xác định chính xác ở các bước nghiên cứu tiếp theo.
Về tiến trình đầu tư, theo quy hoạch được duyệt, tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương có quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030. Mặt khác, tại khoản 2 Mục III Điều 1 Quyết định số 1454/QĐ-TTg quy định: "Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn".
Cần 70% vốn nhà nước tham gia hỗ trợ
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, nhu cầu đầu tư tuyến Nha Trang - Đà Lạt là rất cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; về nguồn lực, qua sơ bộ tính toán, dự án cần vốn nhà nước tham gia khoảng 70% sơ bộ tổng mức đầu tư (tương đương 17.541 tỷ đồng), trong đó: 1.171 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để triển khai công tác giải phóng mặt bằng; phần còn lại (16.370 tỷ đồng) UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Bộ Xây dựng cho rằng, trường hợp dự án được hỗ trợ vốn ngân sách trung ương như đã nêu trên, tiến trình đầu tư dự kiến sẽ điều chỉnh như sau: đoạn Nha Trang - Đà Lạt, dài khoảng 81 km, tiến trình đầu tư trước năm 2030 theo quy định tại khoản 2 Mục III Điều 1 Quyết định số 1454/QĐ-TTg; đoạn Đà Lạt - Liên Khương, dài khoảng 18 km, tiến trình đầu tư sau năm 2030.
Về hình thức đầu tư, vốn nhà nước tham gia dự án, theo báo cáo của UBND liên tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng tại Tờ trình số 11614/LT KH-LĐ ngày 15/10/2024, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án là Quốc hội.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, tại Tờ trình số 11614/LT-KH-LĐ, UBND liên tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng đã báo cáo tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án là 627 ha, trong đó: đất rừng đặc dụng là 99,9 ha (>50 ha) nên theo quy định tại khoản b Điều 12 Luật PPP thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án là Quốc hội.
Như vậy, việc xác định cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án theo đề xuất của UBND liên tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng là phù hợp quy định. UBND liên tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo tại Tờ trình nêu trên.
Về vốn nhà nước tham gia dự án, theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương giai đoạn 1 đi qua các huyện Diên Khánh (4,5 km), huyện Khánh Vĩnh (39,7 km) thuộc tỉnh Khánh Hòa và huyện Lạc Dương (36,6 km) thuộc tỉnh Lâm Đồng, điểm cuối tuyến là ranh giới giữa huyện Lạc Dương và TP. Đà Lạt.
Theo quy định tại Phụ lục III Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ và báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hoà, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa và huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, phần lớn dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (chiếm khoảng 94,43% chiều dài), còn lại trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (chiếm khoảng 5,57% chiều dài). Theo quy định tại điểm c khoản 16 Điều 3 Luật số 57/2024/QH15 ngày 29/11/2024 của Quốc hội, dự án đủ điều kiện để áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án tối đa 70% tổng mức đầu tư.
Qua tính toán sơ bộ phương án tài chính, trường hợp tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án là 70% tổng mức đầu tư thì thời gian hoàn vốn của dự án là 23 năm 7 tháng 13 ngày, dự án có tính khả thi để kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa lựa chọn tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án là 70% tổng mức đầu tư (khoảng 17.541 tỷ đồng).
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa do dự án đi qua địa bàn có điều điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên dự án đủ điều kiện để áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án 70% tổng mức đầu tư. UBND tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo.
Ngoài ra, trong văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Xây dựng cũng tham gia ý kiến về một số vấn đề khác của dự án này như: Điều kiện để thực hiện dự án theo phương thức PPP, phương án hướng tuyến, sơ bộ tổng mức đầu tư…
Về phần kiến nghị, Bộ Xây dựng nêu rõ, việc đầu tư dự án theo hình thức PPP sẽ huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 với mức vốn khoảng 1,6 triệu nghìn tỷ đồng để triển khai một số dự án quan trọng theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ như: mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng... Như vậy, việc cân đối vốn cho dự án từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ Xây dựng là khó khả thi.
Trường hợp dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận hỗ trợ phần vốn nhà nước tham gia từ nguồn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 theo như đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa thì dự án đủ điều kiện để triển khai theo hình thức PPP; tiến trình đầu tư tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt thuộc tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương sẽ được triển khai đầu tư trước năm 2030.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.