Hà Nội là địa phương tập trung nhiều ôtô, cũng là nơi có lượng phát thải lớn từ loại xe này
Cụ thể hóa cam kết giảm phát thải C02 lĩnh vực GTVT
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đóng góp các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, người dân đối với 2 dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với ôtô con, Tiêu chuẩn đối với xe mô tô, xe gắn máy hai bánh (tên đầy đủ của dự thảo: Phương tiện giao thông đường bộ – ôtô con – giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu và phương pháp đánh giá; Phương tiện giao thông đường bộ – xe mô tô, xe gắn máy hai bánh – giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu và phương pháp đánh giá).
Nội dung quan trọng của các dự thảo tiêu chuẩn trên là đưa ra mức giới hạn tiêu thụ nhiên liệu và phương pháp kỹ thuật để xác định mức tiêu thụ nhiên liệu. Đối với ô tô con, phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn là xe ôtô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới và phương pháp đánh giá mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình chung của đội xe. Bao gồm: xe ôtô con hybrid điện, xe ôtô con thuần điện, xe được lắp động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu xăng không chì, xăng E5 hoặc nhiên liệu diesel.
Để xác định mức tiêu thụ nhiên liệu, dự thảo đề xuất hai phương pháp xác định mức tiêu thụ nhiên liệu. Phương pháp 1: Giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu áp dụng cho từng kiểu loại xe - còn gọi là MEPS (Minimum Energy Performance Standards). Phương pháp 2: Xác định mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của toàn đội xe theo nhà sản xuất - được gọi là CAFE (Corporate Average Fuel Economy).
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (cơ quan trực tiếp xây dựng dự thảo), việc đồng thời quy định cả hai phương pháp MEPS và CAFE trong dự thảo được đánh giá là sẽ đáp ứng linh hoạt nhu cầu quản lý, cho phép cơ quan chức năng lựa chọn mô hình phù hợp trong từng giai đoạn và mục tiêu cụ thể.
Đề cập sự cần thiết ban hành tiêu chuẩn, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tháng 9/2020, Việt Nam là một trong 20 quốc gia đệ trình báo cáo này sớm nhất lên Ban thư ký Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Theo đó, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường bằng các hành động do quốc gia tự thực hiện và sẽ giảm tới 27% khi có sự hỗ trợ quốc tế theo cơ chế mới của Thỏa thuận Paris. Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố các cam kết mạnh mẽ nhằm giải quyết biến đổi khí hậu và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong các giải pháp đang thực hiện, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu được xem là đóng góp giảm phát thải CO2 hiệu quả nhất, chiếm tới 34,33% tổng lượng giảm phát thải. Trong đó, đối với xe ô tô con, Việt Nam đang ở giai đoạn áp dụng việc dán nhãn năng lượng và thử nghiệm khí thải mức Euro5 đối với xe ô tô con loại từ 9 chỗ trở xuống được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng. Tuy nhiên, các thông tư hướng dẫn dán nhãn năng lượng và QCVN 109:2021 hiện nay chưa quy định mức phát thải CO2 cũng như giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe ô tô con. Do đó, việc áp dụng các quy định trên chưa đạt hiệu quả cao trong việc giảm phát thải khí các-bon của lĩnh vực GTVT.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc giảm phát thải khí các-bon lĩnh vực GTVT cũng như cụ thể hóa quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho xe ô tô con theo tình hình mới và phương pháp đánh giá giá trị tiêu thụ nhiên liệu trung bình chung của đội xe, việc xây dựng tiêu chuẩn mới thay thế TCVN 9854:2013 về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe ô tô con loại từ 9 chỗ trở xuống là việc làm cần thiết. Điều này cũng giúp các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô và tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô có thời gian chuẩn bị.
Giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu nhằm kiểm soát tốt hơn phát thải của mô tô, xe gắn máy hai bánh và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch
Áp dụng phương pháp xác định mức tiêu thụ nhiên liệu theo thế giới
Tương tự với xe ô tô con đến 9 chỗ, dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với mô tô, xe gắn máy hai bánh (ký hiệu L3 và L1 tại Tiêu chuẩn TCVN 8658), cũng quy định hai phương pháp xác định và giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu, gồm: Phương pháp xác định và giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu riêng cho kiểu loại xe; Phương pháp tính toán mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình chung của đội xe.
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu và phương pháp đánh giá cho đội xe mô tô, xe gắn máy hai bánh được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Tiêu chuẩn này áp dụng cho mô tô và xe máy hai bánh được phân loại và có ký hiệu L3 và L1 theo TCVN 8658.
Mức tiêu thụ nhiên liệu được hiểu là lượng nhiên liệu tiêu hao của xe trên một quãng đường, ứng với điều kiện, chu trình thử nghiệm xác định. Đơn vị đo mức tiêu thụ nhiên liệu là lít (l)/100 ki lô mét (km) (đối với nhiên liệu là xăng, LPG và điêzen) hoặc mét khối (m3 )/100 ki lô mét (km) (đối với nhiên liệu là NG).
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2018 cả nước có khoảng 59,2 triệu xe hai bánh được đăng ký và có 39 triệu xe hai bánh lưu thông trên đường. Năm 2021, có gần 100 công ty cung cấp xe hai bánh tại Việt Nam, với gần 3,1 triệu xe hai bánh được bán vào năm 2021.
Do đó, việc thực hiện các tiêu chuẩn kiểm soát phát thải bắt buộc đối với xe máy và xe gắn máy mới là cách tiếp cận đầy hứa hẹn để giảm lượng khí thải CO2 từ GTVT, giúp quốc gia đạt được mục tiêu về khí hậu và cải thiện chất lượng không khí.
Theo thống kê ban đầu của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) trong giai đoạn 2016 - 2020, đa số các xe mô tô, xe gắn máy bán ra đạt được theo giới hạn tiêu thụ nhiên liệu cho các kiểu loại xe riêng lẻ (MEPS). Do vậy, việc áp dụng các mức giới hạn tiêu thụ nhiên liệu cũ theo tiêu chuẩn trước đây sẽ không có hiệu quả trong việc giảm phát thải khí các-bon của ngành giao thông vận tải.
Mặt khác, trên thế giới đã phổ biến việc đặt mức tiêu thụ năng lượng trung bình cho nhà sản xuất thay vì cho các mẫu xe riêng lẻ. Lý do là các mẫu xe hiệu quả hơn có thể bù đắp cho mẫu xe kém hiệu quả của cùng một nhà sản xuất. "Cơ quan quản lý có thể đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn cho tất cả các phương tiện thay vì đặt mục tiêu cho từng mẫu phương tiện riêng lẻ nhằm thúc đẩy sự đổi mới công nghệ, và vẫn khả thi cho các nhà sản để đạt được mục tiêu giảm mức tiêu thụ năng lượng", theo Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải về đề xuất phương pháp đánh giá mức tiêu thụ năng lượng cho đội xe.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.