Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết Net Zero (phát thải ròng bằng 0) trước năm 2050 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, cuộc chuyển đổi phương tiện xanh đang được ưu tiên hàng đầu nhằm giảm ô nhiễm môi trường và nhiều chính sách mới đã và sắp được áp dụng thực tế.
Theo Quyết định 1191/QĐ-BGTVT được ban hành ngày 30/9/2024, để giảm lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030, Việt Nam sẽ áp dụng “Biện pháp E17” - bộ tiêu chuẩn bắt buộc về tiêu thụ nhiên liệu (TTNL) dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Nhiều dòng xe bán chạy có nguy cơ dừng bán ở Việt Nam.
Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ áp dụng giới hạn định mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới cụ thể:
- 100% xe máy đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100 km.
- 100% ô tô con sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu:
+ Ô tô con dung tích động cơ <1.400 cc đạt 4,7 lít/100 km
+ Ô tô con dung tích động cơ từ 1.400 - 2.000 cc đạt 5,3 lít/100 km
+ Ô tô con dung tích động cơ >2.000 cc đạt 6,4 lít/100 km.
Tỷ lệ áp dụng cho phương tiện mới lần lượt là 30% vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030.
Theo mức chuẩn tiêu thụ nhiên liệu sẽ áp dụng từ nay đến năm 2030, nhiều dòng xe ô tô bán ở Việt Nam hiện nay không thể đáp ứng.
Đơn cử, dòng xe xăng bán chạy nhất là Mitsubishi Xpander trang bị động cơ 1.500 cc hiện có mức tiêu thụ nhiên liệu khoảng trên đường hỗn hợp 6 lít/100 km; Toyota Vios động cơ 1.500 cc tiêu 5,8 lít/100 km, Ford Ranger dùng động cơ diesel 2.000 cc tiêu thụ trung bình 6,9 lít/100 km; Mazda CX-5 máy 2.000 cc tiêu thụ 7 lít/100 km… đều không đạt chuẩn tiêu thụ nhiên liệu vào năm 2030.
Theo chuyên gia, những động cơ đốt trong của các dòng xe trên không thể hạ thấp mức tiêu thụ nhiên liệu. Nếu muốn tiếp tục bán, các hãng xe buộc sẽ phải bổ sung phiên bản hybrid để đáp ứng giới hạn định mức tiêu thụ nhiên liệu mới.
Ô tô điện là một trong những bước đi nhanh giúp Việt Nam thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050. Thực tế, Chính phủ cũng dành nhiều chính sách ưu đãi dành cho người dân khi mua ô tô điện.
Ô tô điện đang có nhiều cơ hội để tăng thị phần ở Việt Nam.
Trong đó, miễn 100% lệ phí trước bạ cho ô tô điện chạy pin từ tháng 3/2022 và mới được gia hạn đến đến hết 28/2/2027. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng thay đổi thói quen sử dụng ô tô từ xe xăng sang xe điện, đặc biệt là việc sạc pin.
"Ô tô điện vẫn còn là loại xe mới vì mất thời gian chờ sạc khá lâu so với việc đổ xăng. Do đó, được miễn lệ phí trước bạ, nhà tôi mới quyết định mua xe và giờ xe VinFast còn được sạc miễn phí", chị Quỳnh Anh chia sẻ.
Bên cạnh chính sách ưu đãi từ Chính phủ, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô điện cũng chạy đua ưu đãi dành cho khách hàng. Trong đó, VinFast là thương hiệu mạnh tay nhất khi áp dụng ưu đãi miễn phí sạc đến 3 năm cho khách hàng mua xe.
Nhờ đó, kết thúc năm 2024, VinFast đã bán đến 87.000 xe ô tô điện, hơn hẳn Toyota với 68.128 xe và Hyundai là 67.168 xe. Ngay trong quý I/2025, VinFast đã bàn giao hơn 35.100 xe, gấp 3 lần những đối thủ xếp ngay phía sau.
Trong khi đó, xe sử dụng động cơ hybrid (xăng lai điện) cũng đang được các hãng xe tích cực mở bán ở Việt Nam và doanh số liên tục có sự tăng trưởng.
Xe hybrid đang là cửa hẹp của nhiều hãng xe ở Việt Nam.
Theo công bố của các hãng xe tại Việt Nam, doanh số xe hybrid trong năm 2024 đạt 9.866 xe, chiếm khoảng 4,5% tổng lượng xe du lịch bán ra thị trường. Kết thúc quý I/2025, lượng xe hybrid đến tay khách hàng đạt 2.562 xe bán ra,
Hiện nay, nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc cũng đang chuyển hướng sang kinh doanh xe hybrid như BYD, Omoda & Jeacoo. Xe hybird là ngách nhỏ, không cần trạm sạc như xe thuần điện nên đây sẽ là cơ hội để các hãng xe Trung Quốc có thể tồn tại ở Việt Nam.
Trong thời gian tới, với các chính sách siết chặt với xe sử dụng động cơ đốt trong, ô tô điện và hybrid đang có nhiều cơ hội để trở thành xu hướng mua sắm mới của người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.