Vì sao cần chắn tự động đường sắt đóng, mở sớm? - Kỳ cuối: Các giải pháp khắc phục

An toàn giao thông 14/05/2025 15:42

Cơ quan quản lý, đơn vị đường sắt đưa ra loạt giải pháp khắc phục, phòng ngừa nguy cơ tai nạn đường sắt do cần chắn tự động đường ngang qua đường sắt đóng, mở sớm.

Khắc phục cần chắn tự động đường ngang qua đường sắt đóng, mở sớm - Kỳ cuối: Đồng bộ nhiều giải pháp   - Ảnh 1.

Dự thảo quy chuẩn về đường ngang có chắn tự động sẽ kéo dài thời gian đóng chắn từ 05 phút hiện nay lên 07 phút.

Tăng cường giải pháp kỹ thuật, kéo dài thời gian đóng chắn

Trước những hạn chế trên, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro, sự cố tai nạn tại các đường ngang có CCTĐ. Về giải pháp công nghệ, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, giải quyết được trường hợp tàu đi qua cảm biến đầu xa nhưng dừng lại trước đường ngang hoặc tàu gặp sự cố phải chạy chậm, đến đường ngang với thời gian lớn hơn 05 phút, thời gian tới Cục phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng kế hoạch nghiên cứu, thử nghiệm và ban hành tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn áp dụng cho thiết bị nhằm theo dõi vị trí di chuyển của đoàn tàu, tính toán tốc độ đoàn tàu và xác định chính xác thời gian tàu đến đường ngang.

Hiện dự thảo sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật về hệ thống cảnh báo, thiết bị chắn tự động đang trong giai đoạn hoàn thiện, trong đó: Sửa đổi các thông số kỹ thuật liên quan đến điều kiện làm việc, độ tin cậy và chế độ bảo vệ của hệ thống thiết bị phòng vệ đường ngang gồm tủ điều khiển, thiết bị phát hiện tàu, cần chắn tự động, chuông đèn nhằm đáp ứng các điều kiện an toàn trên cơ sở số liệu thu thập từ hệ thống giám sát đường ngang và kết quả thử nghiệm thiết bị. Bổ sung loại hình thiết bị cảm biến từ cho phù hợp với điều kiện thực tế áp dụng. Phần quy định về quản lý: Sửa đổi, bổ sung nội dung đánh giá hợp quy với điều kiện về môi trường làm việc, độ tin cậy và khả năng miễn nhiễm điện từ đối với các thiết bị liên quan trực tiếp đến an toàn phòng vệ tại đường ngang gồm: Tủ điều khiển, cần chắn tự động, thiết bị phát hiện tàu; bổ sung quy định chuyển tiếp để áp dụng đối với các đường ngang đầu tư xây dựng mới và các đường ngang hiện đang khai thác, sử dụng.

Điểm đáng chú ý, để giảm ảnh hưởng của việc tàu chạy bất thường, đồng thời đáp ứng giao thông đường ngang cấp thẩm quyền đã xem xét áp dụng thời gian cảnh báo với tàu chạy bất thường là 05 phút; trong dự thảo quy chuẩn hệ thống phòng vệ đường ngang CBTĐ điều chỉnh thời gian cảnh báo tàu bất thường thành 07 phút, đồng thời điều chỉnh tăng số lần kiểm tra thiết bị để tăng cường kiểm tra mức độ an toàn.

"Sau khi quy chuẩn sửa đổi được ban hành, trên cơ sở kết quả đánh giá, chứng nhận hoàn thiện sản phẩm của đơn vị chứng nhận sản phẩm hàng hóa, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai đồng bộ kế hoạch sửa chữa, cải tạo các đường ngang cảnh báo tự động trên đường sắt quốc gia trong kế hoạch bảo trì hàng năm", theo Cục Đường sắt Việt Nam.

Khắc phục cần chắn tự động đường ngang qua đường sắt đóng, mở sớm - Kỳ cuối: Đồng bộ nhiều giải pháp   - Ảnh 2.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thông tin tín hiệu đường sắt tăng cường kiểm tra, giám sát sự ổn định của hệ thống cảnh báo, cần chắn tự động đường ngang.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngày 27/3/2025, Tổng công ty đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị vận hành hệ thống thông tin tín hiệu, đơn vị quản lý bảo trì hạ tầng đường sắt triển khai đồng bộ một số giải pháp khi xảy ra một số tình huống cụ thể phòng ngừa sự cố, nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn tại đường ngang có CCTĐ.

Theo đó, trong phạm vi xảy ra thiên tai, bão lũ, hoặc sự cố tai nạn đường sắt, có tàu và các phương tiện cứu chữa bão lũ, cứu hộ, cứu nạn, chạy chậm (thời gian dài):

- Các Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt chủ trì đảm bảo an toàn đường ngang CBTĐ, cắt cử người tăng cường cảnh giới phục vụ cứu hộ. Công ty thông tin tín hiệu, công ty quản lý bảo trì đường sắt (hoặc đơn vị thi công) phối hợp, giám sát khi đơn vị thi công tổ chức di chuyển các đoàn tàu công trình, máy thi công trong khu gian.

- Đối với các đường ngang CBTĐ có nguy cơ cao về mất ATGT, các công ty quản lý bảo trì đường sắt (hoặc đơn vị thi công) cắt cử người cảnh giới tăng cường khi đoàn tàu, máy thi công di chuyển theo lịch trình của công ty quản lý bảo trì đường sắt (hoặc đơn vị thi công).

Trong phạm vi thi công có phong tỏa đường sắt:

- Các công ty quản lý đường sắt (hoặc đơn vị thi công) chủ trì lập lịch trình thi công để báo cho Trung tâm Điều hành vận tải (trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) để phối hợp trong công tác điều hành chạy tàu của Tổng công ty. Thực hiện đúng lịch trình di chuyển được Trung tâm Điều hành vận tải chấp thuận. Kịp thời thông báo với Trung tâm điều hành, Chi nhánh Khai thác đường sắt, các ga thuộc lịch trình, các đơn vị thông tin tín hiệu liên quan khi tổ chức di chuyển hoặc thi công đột xuất với các tàu công trình, máy thi công.

- Các công ty quản lý bảo trì đường sắt (hoặc đơn vị thi công) chủ trì, các công ty thông tin tín hiệu đường sắt phối hợp giám sát khi đơn vị thi công tổ chức di chuyển các đoàn tàu công trình, máy thi công trong khu gian. Đối với các đường ngang CBTĐ có nguy cơ cao về ATGT, các công ty quản lý bảo trì đường sắt (hoặc đơn vị thi công) cắt cử người cảnh giới tăng cường khi đoàn tàu, máy thi công di chuyển theo lịch trình của công ty bảo trì (hoặc đơn vị thi công).

- Các Công ty CP đường sắt (hoặc đơn vị thi công) chủ trì cắt cử người cảnh giới ATGT đường sắt tại các đường ngang CBTĐ bị ảnh hưởng trong phạm vi thi công.

Riêng với trường hợp khi đoàn tàu có sự cố chạy chậm hoặc dừng tàu đột xuất trong khu gian, Tổng công ty yêu cầu:

- Ban lái máy (thuộc các Xí nghiệp đầu máy), trưởng tàu có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm Điều hành vận tải, các ga trong khu gian chạy tàu khi đoàn tàu có sự cố chạy chậm, hoặc dừng tàu đột xuất trong khu gian. Khi nhận được thông báo của Trung tâm Điều hành vận tải thì chủ trì, kịp thời thông báo cho Chi nhánh Khai thác đường sắt, các ga, đơn vị thông tin tín hiệu thông báo đoàn tàu có sự cố chạy chậm, hoặc dừng tàu đột xuất trong khu gian.

- Khi tàu tiếp tục chạy lại trong khu gian, các ban lái máy phải có trách nhiệm chú ý quan sát đường sắt, kéo còi cảnh báo, chú ý quan sát các giao cắt, các đường ngang, sẵn sàng dừng trước đường ngang, đảm bảo an toàn đến khi tàu đến ga đầu khu gian theo hướng chạy tàu.

Khi chạy đoàn tàu đột xuất không theo lịch trình chạy tàu hàng ngày:

- Trung tâm Điều hành vận tải chủ trì thông báo cho Chi nhánh Khai thác đường sắt, các ga, đơn vị thông tin tín hiệu thông báo khi chạy đoàn tàu đột xuất không theo lịch trình chạy tàu hàng ngày.

Trường hợp gửi tàu từ ga có các đường ngang gần ga có móc nối tín hiệu ga:

- Các Chi nhánh Khai thác đường sắt và các ga chủ trì thực hiện tác nghiệp với các ban lái máy và thực hiện mệnh lệnh mở tín hiệu (hoặc làm tín hiệu tay) để Ban lái máy điều khiển tàu vào khu gian đảm bảo thời gian cảnh báo của các đường ngang CBTĐ gần ga có móc nối tín hiệu với ga.

- Các ban lái máy tuân thủ lịch trình chạy tàu và mệnh lệnh của trực ban ga khi đã mở tín hiệu (hoặc làm tín hiệu tay) để điều khiển tàu vào khu gian đảm bảo thời gian cảnh báo của các đường ngang CBTĐ gần ga có móc nối với ga.

Cùng đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị thông tin tín hiệu đường sắt thực hiện nhóm giải pháp tăng cường quản lý bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống cảnh CBTĐ, CCTĐ đường ngang qua đường sắt.

Trong đó, lãnh đạo, giám sát viên đơn vị thông tin tín hiệu của các đơn vị tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác bảo trì, bảo dưỡng; giám sát chặt chẽ quy trình việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật trong quá trình thực hiện bảo trì, bảo dưỡng; thực hiện đánh giá hiệu quả công tác bảo trì, bảo dưỡng dựa trên các chỉ số cụ thể (ví dụ: Tỷ lệ hư hỏng, thời gian ngừng hoạt động, chi phí bảo trì…).

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu các công ty thông tin tín hiệu đường sắt thực hiện giải pháp về kỹ thuật:

- Rà soát điều chỉnh chương trình điều khiển hệ thống đường ngang đáp ứng thời gian cảnh báo và diều kiện hoạt động theo quy định đường ngang tại Thông tư 29/2023/TT-BGTVT. Kéo dài cảm biến đối với các đường ngang không đảm bảo thời gian cảnh báo theo công lệnh tốc độ.

- Thay thế CCTĐ không chuyên dùng, các phụ kiện, linh kiện không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, xử lý hệ thống dây đất cũ có điện trở cao hơn quy định, thay các camera thế hệ cũ không đảm bảo hình ảnh ghi nhận được rõ nét.

- Cải thiện đường truyền tín hiệu từ đường ngang về trung tâm giám sát, đảm bảo hệ thống giám sát từ xa hoạt động của hệ thống CBTĐ và giám sát đường ngang bằng hình ảnh hoạt động ổn định, lưu trữ dữ liệu giám sát đáp ứng yêu cầu 30 ngày theo quy định.

Khắc phục cần chắn tự động đường ngang qua đường sắt đóng, mở sớm - Kỳ cuối: Đồng bộ nhiều giải pháp   - Ảnh 3.

Hiện 100% đường ngang có CCTĐ được lắp camera giám sát và truyền tín hiệu trực tiếp về các Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt (Ảnh: Trung tâm giám sát hình ảnh tại Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Đà Nẵng).

Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật kết nối thông tin từ đường ngang lên đoàn tàu

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, một trong các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật khác đang được Tổng công ty phối hợp với Công ty CP Vietmap nghiên cứu là cảnh báo sự cố từ đường ngang CBTĐ lên đầu máy thông qua sóng 4G và GPS. Khi nhiên cứu, triển khai thành công trên thực tế thì đây là giải pháp tốt hỗ trợ hỗ trợ quản lý ATGT tại đường ngang CBTĐ.

Định hướng của giải pháp là lấy hình ảnh của đường ngang tại trung tâm giám sát khi đường ngang có sự cố chướng ngại, hoặc cần chắn không đóng, hay trường hợp cần chắn nâng lên khi tàu chạy bất thường để phân tích và gửi tín hiệu cảnh báo và hình ảnh đường ngang lên đầu máy. Trên đầu máy được lắp màn hình thu tín hiệu thông qua sóng vô tuyến để nhận tín hiệu cảnh báo đường ngang có sự cố và hình ảnh đường ngang CBTĐ. Các tín hiệu hình ảnh được lấy từ chính camera hiện hữu đang lắp đặt tại đường ngang. Khi có đường ngang có sự cố chướng ngại trên đường ngang như phương tiện giao thông chết máy, tai nạn giao thông tại đường ngang, hoặc sự cố cần chắn nâng lên do tàu chạy bất thường.

Về phía các công ty thông tin tín hiệu đường sắt, theo tìm hiểu của PV Tạp chí Xây dựng, cùng với thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện một số đơn vị chủ động thêm một số giải pháp nhằm tăng sự chủ động bảo đảm an toàn tại các đường ngang qua đường sắt có hệ thống cảnh báo, chắn tự động.

Còn ông Bành Văn Đức - Giám đốc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Bắc Giang cho biết, sau sự cố xảy ra tại Km64+225 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng ngày 19/3/2025, đơn vị tự bỏ kinh phí để in, treo thông tin tuyên truyền và cảnh báo ATGT tại các đường ngang có CBTĐ, CCTĐ, kèm số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để tiếp nhận 24/24h các thông tin liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm ATGT đường sắt tại các đường ngang có CBTĐ, CCTĐ.

Còn lãnh đạo Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh cho biết, đơn vị hiện được giao quản lý trong phạm vi gần 400 km tuyến đường trục thông tin, bao gồm 56 ga, trạm và 1 Trung tâm Giám sát đường ngang cảnh báo tự động với tổng số 185 đường ngang, trong đó 71 đường ngang có gác, 114 đường ngang cảnh báo tự động.

Trong giải pháp về kỹ thuật, công ty đã và tập trung quản lý để nâng cao độ ổn định động của các đường ngang CBTĐ thông qua các biện pháp:

- Nghiên cứu, cải tiến nâng cao chất lượng thiết bị như: Phần mềm điều khiển, giám sát, các thiết bị cảm biến từ, chống sét cảm biến, các mạch giao tiếp, mạch giám sát tập trung.

- Lắp đặt thiết bị giám sát đường ngang tập trung, camera giám sát an ninh, Radar phát hiện chướng ngại vật để theo dõi phát hiện xử lí các trở ngại thiết bị một cách nhanh nhất. Ứng dụng các phần mềm theo dõi hoạt động của của đường ngang CBTĐ trên điện thoại thông minh cho công nhân kiểm tra đường ngang

- Tăng cường nâng cao chất lượng công tác kiểm tra thiết bị, theo dõi xử lý các trở ngại trên các đường ngang CBTĐ. Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định, đồng thời kịp thời phát hiện sự cố, hư hỏng phát sinh, có biện pháp xử lý khắc phục ngay; cử nhân viên cảnh giới tại các đường ngang CBĐT có mật độ phương tiện giao thông qua lại cao trong các thời gian cao điểm.

- Nâng cao công tác quản lý giám sát hoạt động của các hệ thống đường ngang CBTĐ. Đến nay, bộ phận kỹ thuật của công ty, đội ngũ quản trị giám sát, công nhân hiện trường của các đơn vị quản lý đã hoàn toàn chủ động nắm bắt và làm chủ công nghệ các mô hình thiết bị đường ngang CBTĐ, đường ngang có người gác.

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân nghiêm chỉnh chấp hành khi tham gia giao thông qua đường ngang và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.

Ý kiến của bạn

Bình luận