Phối cảnh Cảng HKQT Gia Bình
Bộ Xây dựng vừa ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch Cảng HKQT Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định là Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng. Ủy viên phản biện là Cục Hàng không Việt Nam - Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm mời 2 chuyên gia trong lĩnh vực hàng không dân dụng tham gia phản biện.
Hội đồng thẩm định gồm đại diện các Bộ: Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tài chính; Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Công thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh; các Cục thuộc Bộ Xây dựng: Hàng không Việt Nam; Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng; Kết cấu hạ tầng xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc; Kế hoạch - Tài chính và lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch Cảng HKQT Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Nghị định số 05/2021/NĐ-CP về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Gia Bình sau điều chỉnh quy hoạch có công suất dự kiến khoảng 30,0 triệu hành khách/năm cho thời kỳ 2021-2030
Trước đó, Bộ Xây dựng đã ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch Cảng HKQT Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cơ quan lập quy hoạch là Cục Hàng không Việt Nam; Nhà tài trợ sản phẩm quy hoạch là Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không.
Các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: khảo sát, điều tra, thu thập các số liệu cần thiết phục vụ công tác lập điều chỉnh quy hoạch; Cập nhật các quy hoạch của địa phương có liên quan đến kết nối với Cảng hàng không quốc tế Gia Bình; Nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch để bổ sung nhu cầu sử dụng đất nhằm bảo đảm khả năng phát triển dài hạn của Cảng; nghiên cứu các nội dung điều chỉnh khác (nếu có); Ước toán tổng mức đầu tư theo nhu cầu phát triển của Cảng, đề xuất phương án phân kỳ đầu tư phù hợp.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, vùng trời Cảng HKQT Gia Bình nằm gần vùng trời kiểm soát tiếp cận của Cảng HKQT Nội Bài (khoảng cách giữa 2 cảng hàng không chỉ khoảng 43 km).
Do năng lực tổng thể của vùng trời xác định là hữu hạn, việc bổ sung, điều chỉnh tăng công suất của Cảng HKQT Gia Bình không làm tăng năng lực tổng thể của vùng trời dùng chung mà sẽ yêu cầu giảm công suất tương ứng của Cảng HKQT Nội Bài và phải thực hiện tái phân bổ lưu lượng khai thác giữa hai sân bay.
Vì vậy, cùng với việc điều chỉnh tăng công suất quy hoạch của Cảng HKQT Gia Bình, cần thực hiện điều chỉnh công suất tương ứng của Cảng HKQT Nội Bài tại Quy hoạch tổng thể Cảng hàng không, sân bay.
"Đối với Cảng HKQT Gia Bình điều chỉnh thời kỳ 2021-2030 có công suất dự kiến khoảng 30,0 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 có công suất dự kiến khoảng 50,0 triệu hành khách/năm. Đối với cảng HKQT Nội Bài điều chỉnh thời kỳ 2021-2030 có công suất dự kiến khoảng 35,0 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 có công suất dự kiến khoảng 60,0 triệu hành khách/năm", Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Trong khi đó, với việc điều chỉnh diện tích sử dụng đất Cảng HKQT Gia Bình khoảng 1.960 ha thì tổng diện tích sử dụng đất của tổng thể hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ.
Hiện nay, ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch cho hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 là khoảng 443.000 tỷ đồng. Khi mở rộng Cảng HKQT Gia Bình thì cần điểu chỉnh ước tính chi phí đầu tư hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc theo từng giai đoạn cho phù hợp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.