Thưa ông, trải qua hành trình hơn 40 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Đèo Cả đã trở thành một trong những tên tuổi lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Đâu là nền tảng cốt lõi tạo nên thành công này?
Thành công của Đèo Cả hôm nay là câu chuyện về khát vọng, sự kiên định và niềm tin vào giá trị con người. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa con người, văn hoá và công cụ quản trị - một hệ sinh thái vững mạnh được xây dựng và củng cố, phát triển suốt 40 năm không ngừng nỗ lực.
Đèo Cả đã khởi đầu từ những bước đi khiêm tốn trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Nhưng với giá trị cốt lõi "Khát vọng – Kiên định – Tri ân" cùng chiến lược "lấy con người làm trung tâm" với mô hình "đàn chim vượt bão" và các công cụ quản trị độc đáo như "Tam quản" hay "Phép toán đời thường"…, chúng tôi đã từng bước chinh phục những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua để biến những giấc mơ thành hiện thực, khẳng định vị thế của một tập đoàn không chỉ dẫn đầu trong nước, mà còn sẵn sàng vươn tầm thế giới.
Có thể thấy yếu tố con người đóng vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển của Đèo Cả. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về triết lý quản trị nhân sự mà Tập đoàn đang áp dụng?
Chiến lược nhất quán của Đèo Cả trong suốt 40 năm qua là "đặt con người vào trung tâm" để kiến tạo sự khác biệt và bền vững.
Chúng tôi chủ trương "nói không với vay mượn nhân lực", thay vào đó tập trung phát triển nội lực – xây dựng đội ngũ từ bên trong với mô hình "đàn chim vượt bão 9-18-36…". Người đi trước dìu dắt, hỗ trợ người đi sau và người đi sau sẵn sàng tiến lên thay thế người đi trước khi cần thiết.
Đây không chỉ là một kế hoạch nhân sự ngắn hạn mà còn là tầm nhìn chiến lược thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Đèo Cả trong việc xây dựng một đội ngũ lãnh đạo kế cận bền vững.
Mô hình "đàn chim vượt bão" khởi đầu từ 9 thành viên trong Hội đồng Quản trị - những "cánh chim đầu đàn" tiên phong định hướng và dẫn dắt tập thể vượt qua gian khó. Sau đó, đội ngũ được mở rộng qua các giai đoạn 18, 36, 72…
Làm sao để giữ chân nhân sự chất lượng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, thưa ông?
Dù ở diện nào, "kim chỉ nam" trong ứng xử với người lao động luôn là sự tử tế.
Người đứng đầu Tập đoàn luôn ứng xử nhất quán trên quan điểm "chia sẻ về tinh thần", "sòng phẳng về vật chất" và "nghiêm khắc với sai trái".
Để giữ chân người tài, chúng tôi luôn chủ động xây dựng môi trường làm việc năng động, minh bạch, công bằng.
Song song đó, các chính sách thưởng năng suất, cơ hội thăng tiến, đào tạo liên tục và chính sách trả lương theo giá trị công việc góp phần gia tăng sự gắn kết.
Đặc biệt, Tập đoàn không nợ lương, không giảm lương dù gặp khó khăn.
Sáng kiến hay nhiệm vụ xuất sắc được tưởng thưởng xứng đáng, trong khi các hành vi sai trái, tiêu cực… sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Tất cả những điều đó tạo ra một nền tảng để nhân sự yên tâm cống hiến và phát triển lâu dài.
Không ít người nhận xét rằng Đèo Cả đang có những bước đi rất chủ động trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Ông có thể chia sẻ thêm về chiến lược đào tạo nhân lực của Tập đoàn?
Chúng tôi luôn tâm niệm rằng "hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Vì vậy, Đèo Cả đầu tư rất bài bản vào đào tạo thông qua việc nuôi dưỡng đội ngũ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, thực chiến ở mọi cấp độ.
Đèo Cả đã chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trường nghề để tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân, nghiệp vụ chuyên môn cho kỹ sư, đào tạo thạc sĩ cho cấp quản lý và nghiên cứu sinh cho cấp chiến lược.
Chúng tôi cũng đã hợp tác, liên kết đào tạo với cả đơn vị trong nước (Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, …) lẫn đối tác nước ngoài (Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu, Trường cao đẳng đường sắt Vũ Hán…) để thành lập các Viện nghiên cứu đào tạo, triển khai đào tạo văn bằng 2 về đường sắt – metro, cử nhân sự đi tu nghiệp, thực tập tại nước ngoài và "nhập khẩu" chương trình đào tạo chuyên sâu.
Một điểm khác biệt lớn của Đèo Cả là cách kết hợp lý thuyết và thực tiễn, biến những dự án lớn, khó thành "trường học thực tế", nơi kỹ sư, công nhân được rèn luyện qua công việc hàng ngày – học lý thuyết thông qua thực tiễn.
Một trong những điểm nhấn trong chiến lược của Đèo Cả là hệ thống các công cụ quản trị. Ông có thể giới thiệu cụ thể về công cụ quản trị "Tam quản" mà Tập đoàn đang triển khai?
"Tam quản" là một hệ thống quản trị toàn diện, đây chính là bí quyết giúp Đèo Cả đạt được những thành tựu vượt bậc trong suốt 40 năm hình thành và phát triển. "Tam quản" gồm ba yếu tố: quản người – quản việc – quản lợi ích.
"Quản người": Chúng tôi đánh giá con người dựa trên ba trục: thể lực, trí lực và tâm lực. Người lao động cần có sức khỏe để đảm đương khối lượng công việc lớn, năng lực chuyên môn để giải quyết vấn đề, và tâm thế vững vàng để không lung lay trước khó khăn.
"Quản việc": Mỗi nhiệm vụ đều được triển khai có kế hoạch và giám sát chặt chẽ. Ba nhóm đầu mối: Ban Điều hành, Văn phòng HĐQT, Hội đồng Cố vấn phối hợp chặt chẽ để tối ưu hóa hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính minh bạch.
"Quản lợi ích": Đèo Cả không đặt nặng lợi nhuận ngắn hạn, mà hướng đến phát triển bền vững theo chiến lược "đi trong vòng tròn năng lực". Nhờ đó, tối đa hóa giá trị cho doanh nghiệp, cho đội ngũ cán bộ công nhân viên và xã hội.
Văn hóa doanh nghiệp tại Đèo Cả được nhắc đến như một yếu tố sống còn. Vậy cụ thể, các giá trị cốt lõi nào đang dẫn dắt tổ chức?
Văn hóa doanh nghiệp tại Đèo Cả không phải là những khẩu hiệu khô khan mà là hơi thở, là linh hồn của mỗi con người trong tổ chức. Ba giá trị cốt lõi "Khát vọng, Kiên định, Tri ân" là kim chỉ nam dẫn lối, biến những giấc mơ lớn lao thành hiện thực và kiến tạo nên một "mái nhà" Đèo Cả mang đậm dấu ấn nhân văn.
"Khát vọng" tức là dám nghĩ lớn, không ngại chọn con đường khó. Đó là lý do chúng tôi làm được những điều tưởng như không thể – như hầm đường bộ Đèo Cả, do người Việt thực hiện 100%.
"Kiên định" là sức mạnh giúp Đèo Cả vượt qua muôn vàn thử thách. Trong suốt 6 năm theo đuổi dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, đã có không ít người hoài nghi. Nhưng chúng tôi vẫn bền bỉ chuẩn bị, và nay dự án đã hình thành rõ nét và sẽ thông tuyến trong năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Tri ân" chính là lòng biết ơn với người lao động, đối tác, cộng đồng và cả những người từng hoài nghi – nhờ họ mà Đèo Cả ngày càng hoàn thiện.
Nhiều người ngạc nhiên khi biết Đèo Cả sử dụng âm nhạc như một phương thức quản trị bên cạnh việc khích lệ tinh thần. Điều này có ý nghĩa gì với Tập đoàn?
Với Người Đèo Cả, âm nhạc không chỉ là giải trí mà là chất kết nối nội bộ. Các bài hát về Đèo Cả, người công nhân, về công trình… vang lên trong những buổi hội nhập, tại công trường, giúp lan tỏa tinh thần đoàn kết và giá trị văn hóa một cách nhẹ nhàng, cảm xúc. Chúng tôi tin rằng âm nhạc giúp xoa dịu căng thẳng, khơi dậy cảm hứng và làm cho doanh nghiệp trở nên "có hồn" hơn.
Âm nhạc ở Đèo Cả không chỉ là giai điệu, mà còn là cách chúng tôi truyền tải giá trị cốt lõi một cách sống động và gần gũi. Âm nhạc cũng là cầu nối giữa các thế hệ, từ lãnh đạo đến nhân viên, tạo nên một môi trường làm việc ấm áp, đầy cảm hứng và tràn ngập tinh thần đoàn kết.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, Tập đoàn Đèo Cả có những kế hoạch gì để tiếp tục duy trì vị thế tiên phong?
Với Đèo Cả, "đích đến nằm ở chân trời phía trước", Tập đoàn đặt mục tiêu phát triển bền vững, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ số và quản lý dự án. Trong tương lai, Đèo Cả sẽ tiếp tục phải chuyển mình mạnh mẽ để trở thành mảnh ghép lớn trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu lớn lao này, Tập đoàn Đèo Cả đang chủ động triển khai các chương trình đào tạo nội bộ và liên kết đào tạo về công nghệ mới, tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), mô hình thông tin công trình (BIM), đường sắt đô thị (metro), đường sắt tốc độ cao... Những khóa học này không chỉ giúp đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản lý tiếp cận nhanh với tư duy kỹ thuật số, mà còn đặt nền tảng cho việc triển khai các dự án tới đây của Tập đoàn như đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, hạ tầng thông minh.
Không dừng lại ở chuyển đổi công nghệ, Đèo Cả sẽ tiếp tục kiên định với chiến lược "đặt con người vào trung tâm", trong đó người lao động được khuyến khích thay đổi tư duy, tiếp cận cái mới một cách chủ động, không ngại va chạm.
Bài học lớn nhất chúng tôi rút ra là: mọi thành công đều bắt nguồn từ con người và văn hóa. Không có điều đó, mọi công cụ hay chiến lược đều sẽ trở nên vô nghĩa.
Nhìn lại hành trình 40 năm xây dựng và phát triển của Tập đoàn Đèo Cả, ông cảm thấy điều gì là đáng tự hào nhất?
Hơn hết, chúng tôi đã xây dựng được một triết lý phát triển mang đậm bản sắc Việt. Đó là di sản văn hóa doanh nghiệp mà tôi tin sẽ còn sống mãi cùng những thế hệ tiếp nối.
Câu chuyện thành công của Đèo Cả là niềm tự hào không chỉ của lãnh đạo và cán bộ công nhân viên tập đoàn mà còn của cả đất nước. Hành trình của Đèo Cả là minh chứng rõ ràng cho một chân lý đơn giản nhưng bền vững: muốn đi xa, phải đi cùng nhau; con người và văn hóa chính là chìa khóa của mọi thành công vĩ đại. Với tầm nhìn vươn xa và tinh thần không ngừng đổi mới, Đèo Cả đang viết tiếp những trang sử mới, mang tên Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ thế giới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.