Một số hạn chế, bất cập của âu tàu Nghĩa Hưng sau gần 2 năm vận hành

An toàn giao thông 15/07/2025 14:14

Sau gần 2 năm khai thác, vận hành, âu tàu Nghĩa Hưng (nối sông Đáy – Ninh Cơ) bộc lộ một số hạn chế, bất cập tại hệ thống cánh đóng, mở cửa âu, thu gom rác; chưa được trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn…

Một số hạn chế, bất cập của âu tàu Nghĩa Hưng sau gần 2 năm khai thác, vận hành - Ảnh 1.
Một số hạn chế, bất cập của âu tàu Nghĩa Hưng sau gần 2 năm khai thác, vận hành - Ảnh 2.

Theo đơn vị vận hành, hệ thống thu gom rác, bùn tại âu tàu Nghĩa Hưng hoạt động không hiệu quả khiến thường xuyên gây mắc kẹt cửa âu

Hệ thống thu gom rác không hiệu quả khiến cửa âu dễ kẹt

Chi cục Hàng hải và Đường thủy phía Bắc cho biết, từ ngày 03 đến hết ngày 19/7/2025, âu tàu Nghĩa Hưng (thuộc cụm công trình kênh đào nối sông Đáy – Ninh Cơ, tỉnh Ninh Bình mới) bị hạn chế giao thông ở mức độ đóng âu, cấm phương tiện thủy lưu thông qua để phục vụ sửa chữa, bảo trì âu. 

Theo Ban Quản lý dự án Hàng hải và đường thủy (chủ đầu tư), công trình này được đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 9/2023 và chuẩn bị kết thúc thời hạn 02 năm bảo hành (đến ngày 25/7/2025) nên đây là đợt kiểm tra, sửa chữa tổng thể thiết bị cơ khí, thiết bị điện của âu để bàn giao cho cơ quan quản lý… Để kết thúc bảo hành và bàn giao, trong đợt này, nhà thầu là Công ty CP Lilama 10 thực hiện kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các chi tiết của cụm bánh xe, hệ thống ray và các thiết bị liên quan của 02 cánh cửa âu vận hành (mỗi đầu một cánh cửa). Phương pháp thực hiện là bơm cạn nước trong âu rồi kiểm tra, sửa chữa thiết bị…

Tìm hiểu của PV Tạp chí Xây dựng cho thấy, trong gần 02 năm đưa vào khai thác, vận hành, âu tàu Nghĩa Hưng đã có một số lần phải đóng âu, cấm phương tiện thủy lưu thông qua do xảy ra sự cố kỹ thuật khiến cửa âu không thể vận hành. Có thể kể đến, khoảng 11h30 ngày 09/8/2024, trong quá trình vận hành, dây cáp tời kéo cánh phải cửa âu tàu bị đứt, thời điểm này có hai phương tiện thủy đang ở trong buồng âu tàu, chưa thể di chuyển ra ngoài…

Đáng nói, trước đợt kiểm tra, bảo trì đang được tiến hành, mặc dù Công ty Lilama 10 (nhà thầu chế tạo, cung cấp, lắp đặt hệ thống thiết bị cơ khí – điện vận hành âu) đã một số lần kiểm tra, sửa chữa thiết bị cánh cửa âu nhưng chưa thể khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập của hệ thống.

Cụ thể, theo báo cáo Chi cục Hàng hải và Đường thủy phía Bắc, trong thời gian từ ngày 11/4-18/6/2025, các nhà thầu đã tiến hành kiểm tra tổng thể, khắc phục lỗi kỹ thuật, kịp thời sửa chữa, bảo trì các thiết bị tại âu tàu đảm bảo âu tàu hoạt động bình thường. Tuy nhiên, còn tồn tại một số hạng mục mà đơn vị bảo hành chưa khắc phục hoặc khắc phục chưa triệt để. Trong đó, tại hệ thống cánh cửa âu và van đóng xả nước còn tồn tại: Toàn bộ các tấm gioăng cao su có hiện tượng chai cứng, bung hỏng và không đảm bảo độ kín khít; hệ thống chắn rác phải cửa âu bị bung, cong, vênh 05 tấm; hệ thống thu gom bùn rác ngầm (tại đầu cửa âu) phần dưới nước bị han gỉ, đứt 01 sợi xích treo gầu đang được thay thể bằng sợi cáp…  "Thiết bị thu gom rác hoạt động không hiệu quả khiến lượng rác tồn động nhiều dẫn đến cánh cửa âu thường xuyên bị kẹt, quá lực gây lỗi trên màn hình điều khiển", báo cáo nêu.

Ngoài ra, phát sinh một số lỗi kỹ thuật cần khắc phục, như: Màn hình hiển thị tốc độ gió, mực nước ở hai đầu âu không tương ứng với thực tế (ví dụ màn hình báo mực nước cao nhưng thực tế mực nước thấp…).

Một số hạn chế, bất cập của âu tàu Nghĩa Hưng sau gần 2 năm khai thác, vận hành - Ảnh 3.

Theo đơn vị vận hành, cần trang bị tàu cứu hộ, cứu nạn cho âu tàu Nghĩa Hưng

Đề xuất trang bị tàu cứu hộ, cứu nạn

Còn theo đơn vị trực tiếp khai thác, vận hành âu (Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10), một trong những bất cập khác của âu tàu Nghĩa Hưng là thường xuyên xảy ra sự cố phương tiện thủy bị chết máy khi đang trong buồng âu, thế nhưng trong thiết kế dự án không có hạng mục phương tiện thủy chuyên dùng để xử lý tình huống khẩn cấp. 

"Khi xảy ra sự cố phương tiện thủy bị mất chủ động, mất lái, chết máy trong quá trình lưu thông qua âu, hầu hết chủ phương tiện phải chủ động thuê mướn cứu hộ nên mất nhiều thời gian, gây ùn tắc giao thông và nguy cơ cháy nổ, mất an toàn tại buồng âu. Công ty đã kiến nghị Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đầu tư 02 tàu cứu hộ công suất từ 600CV trở lên để thường trực cứu hộ, cứu nạn tại âu", ông Lưu Đức Dương, Phó giám đốc Trung tâm quản lý vận hành âu Nghĩa Hưng, Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 cho biết.

Ngoài ra, theo ông Dương, một số bất cập khác của âu tàu Nghĩa Hưng là khu vực miệng âu tàu không có thiết kế chống va, dẫn đến phương tiện va đập vào thành âu gây ảnh hưởng đến kết cấu tường âu và phương tiện thủy. Còn trong buồng âu, hàng rào lan can sắt dựng sát với mép nước khiến thu hẹp khoảng không và thường xuyên bị mũi tàu (tàu nổi, khi xoay trở) va đập. "Hàng rào này nên được đưa vào sâu trong sân âu thêm khoảng 50cm để mở rộng không gian và tránh tàu va đập", ông Dương kiến nghị.

Liên quan đến những vấn đề trên, ông Lưu Việt Khoa, Phó giám đốc Ban QLDA Hàng hải và đường thủy cho biết, thời gian qua đơn vị thường xuyên cập nhật tình hình khai thác, vận hành của dự án để hoàn thiện quy trình khai thác, bảo trì công trình. Bên cạnh đó, đánh giá những hạn chế, bất cập của công trình để đề xuất Bộ Xây dựng các phương án giải quyết phù hợp, bảo đảm khai thác hiệu quả, an toàn âu tàu Nghĩa Hưng.

Một số hạn chế, bất cập của âu tàu Nghĩa Hưng sau gần 2 năm khai thác, vận hành - Ảnh 4.

Hệ thống âu tàu Nghĩa Hưng được theo dõi, điều hành qua hệ thống camera giám sát trực tuyến

Được biết, kênh Nghĩa Hưng là tuyến đường thủy kênh đào có chiều dài 1,18 km, kết nối sông Đáy và sông Ninh Cơ. Tuyến kênh này đáp ứng phương tiện thủy trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông qua, giúp rút ngắn hành trình và thời gian cho phương tiện thủy từ cửa biển Lạch Giang lưu thông qua sông Ninh Cơ - Đáy và ngược lại.

Trên kênh có âu tàu Nghĩa Hưng (cân bằng mực nước giữa hai sông khi đưa phương tiện thủy lưu thông qua, kết hợp ngăn mặn), hai phía đầu âu có các dãy trụ neo để phương tiện thủy neo đậu, chờ qua âu. Âu tàu được đóng/mở bằng cửa ngăn nước ở hai đầu âu. Khi một phía cửa mở, phương tiện thủy đi vào trong âu và đợi nước bên trong/ngoài âu cân bằng để mở cửa và đi ra khỏi âu. Thời gian để phương tiện lưu thông qua qua âu khoảng 30 phút.

Cụm công trình kênh Nghĩa Hưng tổng mức đầu tư ban đầu hơn 107 triệu USD, thực tế kinh phí khoảng 75 triệu USD, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án do Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) là cơ quan chủ quản, Ban Quản lý các dự án đường thủy là chủ đầu tư; khởi công từ ngày 01/3/2021, hoàn thành vào 30/6/2023, mở luồng vào ngày 25/7/2023.

Theo đơn vị vận hành, từ khi đưa vào khai thác đến hết tháng 05/2025, tổng số có hơn 23.700 lượt phương tiện thủy lưu thông qua âu, trung bình đạt 34 lượt phương tiện/ngày; trong đó có nhiều phương tiện thủy có trọng tải lớn, tàu pha sông biển VR-SB, tàu biển cở nhỏ lưu thông qua. 

Ý kiến của bạn

Bình luận