Đề xuất mức thu phí đối với các tuyến cao tốc hoàn thành trong năm 2025

Tác giả: KL

saosaosaosaosao
Đường bộ 02/07/2025 08:40

Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Xây dựng phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc Hòa Liên - Túy Loan và các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.


Đề xuất mức thu phí đối với các tuyến cao tốc hoàn thành trong năm 2025 - Ảnh 1.

Sẽ có nhiều tuyến cao tốc được thu phí trong năm tới.

Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có 29 đoạn, tuyến cao tốc do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng. Trong đó, 5 tuyến cao tốc đã được phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và dự kiến sẽ bắt đầu thu phí từ tháng 1/2026.

Bên cạnh đó, căn cứ tình hình đầu tư, xây dựng hạ tầng trạm thu phí, lắp đặt thiết bị phục vụ việc thu phí, hệ thống Back- End và các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông trên tuyến cao tốc. Đồng thời, để đảm bảo việc khai thác hiệu quả, khả thi khi triển khai thu phí sử dụng đường cao tốc, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất đối với 13 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2025 gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hòa Liên - Túy Loan, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Đề xuất mức thu phí đối với các tuyến cao tốc hoàn thành trong năm 2025 - Ảnh 2.

Dự kiến sẽ có 2 mức thu phí.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng đưa ra 2 mức thu phí. Cụ thể: Mức 1 là 1.300 đồng/xe tiêu chuẩn/km áp dụng đối với đường cao tốc đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí (đường cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục.

Trong khi đó, mức 2 là 900 đồng/xe tiêu chuẩn/km áp dụng đối với dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại Luật Đường bộ (đường cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp không liên tục). Theo tính toán sơ bộ, khi triển khai thu phí trên 13 tuyến cao tốc nêu trên, sau khi trừ chi phí tổ chức thu, mỗi năm có thể nộp ngân sách gần 2.500 tỷ đồng.

Cũng theo tính toán của Cục Đường bộ Việt Nam, thời gian thu phí trong 7 năm. Trong quá trình đánh giá thực hiện chính sách hoặc sau khi hết 1 chu kỳ khai thác thiết bị, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương thức khai thác khác (nếu phù hợp).

Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất là cơ quan được giao quản lý tài sản sẽ trực tiếp và tổ chức quản lý, bảo trì, bảo dưỡng đối với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý, khai thác theo quy định pháp luật; tổ chức thu phí sử dụng đường cao tốc theo hình thức điện tử không dừng.

Với vai trò là cơ quan quản lý thu, Cục Đường bộ Việt Nam và các khu quản lý đường bộ thực hiện việc: Quản lý thu, nộp, sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc; thực hiện kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ cao tốc thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định về quản lý thuế; kiểm tra hoạt động, số thu từ cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ cao tốc của đơn vị vận hành thu, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để bảo đảm thu đúng, thu đủ, nộp đúng hạn khoản thu phí sử dụng đường bộ cao tốc vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của đơn vị quản lý thu; thanh quyết toán chi phí thuê dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ, đơn vị vận hành thu theo quy định tại hợp đồng cung cấp dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 130/2024/NĐ-CP của Chính phủ.