Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Quả ngọt từ công tác xã hội hóa đào tạo nghề

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 22/05/2025 05:51

Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề và mục tiêu trở thành cơ sở đào tạo nghề trọng điểm khu vực phía Bắc. Thời gian qua, Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 đã nỗ lực đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư tâm huyết chung tay cùng nhà trường tích cực đổi mới công tác dạy và học, từng bước đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất… Qua đó, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành, địa phương và xã hội.

Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Quả ngọt từ công tác xã hội hóa đào tạo nghề- Ảnh 1.
Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Quả ngọt từ công tác xã hội hóa đào tạo nghề- Ảnh 2.

Từ sân tập lái xe cho đến phương tiện học lái xe đều được nhà trường mạnh dạn đầu tư, nâng cấp bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Từ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Xã hội hóa giáo dục nói chung, xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề nói riêng là một chủ trương đúng đắn mang tính nhân văn, nhằm huy động các lực lượng xã hội cùng chung tay, góp sức chăm lo cho công tác phát triển giáo dục, phát triển đào tạo nghề với hai nguồn lực chính là vật chất và phi vật chất, trong bối cảnh ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho các trường đào tạo nghề còn hạn chế.

Theo số liệu từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH cũ) nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm 2024, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó bao gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp, 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên. Điều này cho thấy, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Để hiện thực hóa điều này, xã hội hóa chính là bước đi quan trọng giúp các trường nghề nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực đào tạo để thu hút người học.

Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Quả ngọt từ công tác xã hội hóa đào tạo nghề- Ảnh 3.

Ông Phạm Duy Bảy - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 trong một dịp trò chuyện với phóng viên Tạp chí Xây dựng.

Nắm bắt được vai trò quan trọng của công tác xã hội hóa, cùng quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 đã mạnh dạn xã hội hóa đầu tư xe tập lái, cabin điện tử, lắp đặt hệ thống chíp trên sân tập, xe chíp để phục vụ công tác đào tạo, giảm chi phí tối đa cho người học; cũng từ nguồn xã hội hóa, cơ sở vật chất nhà trường đã được đầu tư, nâng cấp và khang trang hơn.

Ông Phạm Duy Bảy - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 chia sẻ, nhờ công tác xã hội hóa, đời sống của trên 80 cán bộ, giáo viên, người lao động và gần 100 giáo viên thỉnh giảng tại nhà trường từng bước được cải thiện. "Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm bằng nguồn tự có và nguồn vay, nhà trường tiếp tục đầu tư thêm một sân phụ tập lái xe với diện tích hơn 12 nghìn mét vuông, được đầu tư xây dựng từ cuối tháng 4/2025, phấn đấu hoàn thành đưa vào hoạt động cuối tháng 5/2025. Mục đích phấn đấu tăng lưu lượng từ đào tạo từ dưới 1000 học viên, lên lưu lượng dưới 2000 học viên, đây cũng là hướng đi đúng mà Ban Giám hiệu nhà trường quyết đoán đưa ra", ông Bảy nhấn mạnh.

Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Quả ngọt từ công tác xã hội hóa đào tạo nghề- Ảnh 4.
Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Quả ngọt từ công tác xã hội hóa đào tạo nghề- Ảnh 5.

Một buổi khai giảng lớp học lái xe ô tô tại Trung tâm đào tạo lái xe.

Khẳng định chủ trương xã hội hóa Trung tâm đào tạo lái xe là hoàn toàn đúng đắn, theo thầy giáo Tô Vũ Cường - Đảng ủy viên Đảng bộ Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1, khi thực hiện xã hội hóa, không chỉ cơ sở vật chất được nâng cấp hiện đại hơn, mà đời sống, việc làm và các chế độ phúc lợi xã hội của cán bộ, giáo viên, người lao động cũng được nâng lên. Tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 80 viên chức và gần 100 người lao động hợp đồng .

Trong bối cảnh đào tạo nghề đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc Ban Giám hiệu, Đảng ủy nhà trường đã có quyết sách táo bạo trong việc kêu gọi xã hội hóa từ cán bộ, công nhân viên trong nhà trường về đầu tư phương tiện tập lái, đầu tư thiết bị cabin, thiết bị chấm điểm tự động… phục vụ công tác giảng dạy cho Trung tâm đào tạo lái xe, đến nay hiệu quả rất tốt, công ăn việc làm của cán bộ công nhân viên được ổn định.

"Đây là bước đệm để chúng tôi tự tin hơn trong quá trình đồng hành với Ban Giám hiệu thúc đẩy sự phát triển của Trung tâm nói riêng, của Nhà trường nói chung, đồng thời, cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội. Khi chất lượng đào tạo được nâng lên, học viên sẽ tin tưởng và tìm đến mình. Tôi nghĩ, chúng tôi đang đầu tư đúng hướng và chắc chắn sẽ thành công", thầy Cường chia sẻ thêm.

Hướng đến mục tiêu tự chủ để phát triển nhanh hơn

Từ chỗ chỉ có 12 - 13 đầu xe cũ, với lưu lượng đào tạo chỉ 100 học sinh vào những năm 2018, đến nay, nhờ chính sách xã hội hóa nên số lượng xe phục vụ đào tạo của nhà trường đã lên đến hơn 100 đầu xe,lượng học viên đạt 1.000 và hướng đến nâng lên dưới 2.000 học viên. Điều này cho thấy, chất lượng đào tạo của nhà trường ngày càng được nâng lên, uy tín, thương hiệu nhà trường ngày càng được khẳng định.

Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Quả ngọt từ công tác xã hội hóa đào tạo nghề- Ảnh 6.
Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Quả ngọt từ công tác xã hội hóa đào tạo nghề- Ảnh 7.
Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Quả ngọt từ công tác xã hội hóa đào tạo nghề- Ảnh 8.

Giáo viên đang hướng dẫn học viên những kỹ năng cần thiết trong quá trình học lái xe.

"Qua các chính sách mở của nhà nước, thay đổi thông tư, nghị định, nhà trường đã nắm bắt kịp thời để xã hội hóa Trung tâm đào tạo lái xe. Thực tế, qua mấy năm xã hội hóa vừa rồi chúng tôi đã có những bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, song song với công tác xã hội hóa, chúng tôi cũng thiết chặt việc nâng cao chất lượng đào tạo và thái độ phục vụ người học. Các học viên tham gia học lái xe tại nhà trường ngoài những phần kinh phí cố định đã được ban hành theo quyết định của nhà trường thì học viên không phải nộp bất cứ một khoản tiền phát sinh nào hết, với phương châm thu đúng, thu đủ, qua đó thu hút được lượng học viên đông đảo ổn định qua hàng năm và cũng từ đó sẽ là động lực để phát triển bền vững", thầy Vũ Tiến Đạt - Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe (trực thuộc Trường Cao Đẳng nghề LILAMA I) phấn khởi nói.

Thầy Trương Văn Dũng - Chủ tịch Công đoàn nhà trường nói: "Với sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm có thể thấy, bước đi đầu tiên trong công tác xã hội hóa đối với việc triển khai đầu tư phương tiện tập lái xe, đầu tư thiết bị cabin, thiết bị chấm điểm tự động phục vụ công tác giảng dạy cho Trung tâm Đào tạo lái xe của Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 đã rất thành công và tạo được sự tin tưởng của cán bộ, công nhân viên và các nhà đầu tư. Thế nhưng không dừng lại ở đó, điều mà Ban Giám hiệu nhà trường trăn trở đó là, làm sao để nhà trường phát triển hơn nữa? làm sao để đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư, đem lại công việc ổn định cho giáo viên, cho người lao động".

Còn thầy Nguyễn Tiến Dũng, giáo viên dạy lái xe cho hay: "Nghĩ là làm, Ban Giám hiệu nhà trường lại tiếp tục kêu gọi xã hội hóa hàng tỷ đồng trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường để đầu tư nâng cấp sân tập lái đủ tiêu chuẩn như sân sát hạch với các thiết bị hiện đại được đầu tư đồng bộ trên sân để học viên khi tham gia học lái xe sẽ có cảm giác thật như trên sân sát hạch. Với mục đích, học viên đến học sẽ vừa được luyện kỹ năng, vừa tự đánh giá được trên xe nhờ các thiết bị được lắp đặt hiện đại, đúng quy chuẩn. Đặc biệt, với chức năng đào tạo nghề, học viên sau khi ra trường có thể lựa chọn sát hạch ở bất kỳ nơi nào được cấp phép, mà không nhất thiết phải sát hạch tại Trung tâm. Nhờ đó, lưu lượng người học được nâng lên, số hồ sơ nộp học tăng vọt".

Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Quả ngọt từ công tác xã hội hóa đào tạo nghề- Ảnh 9.
Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Quả ngọt từ công tác xã hội hóa đào tạo nghề- Ảnh 10.
Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Quả ngọt từ công tác xã hội hóa đào tạo nghề- Ảnh 11.

Sân phụ tập lái xe với diện tích hơn 12 nghìn mét vuông được đầu tư xây dựng từ cuối tháng 4/2025 và sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động cuối tháng 5/2025.

Cùng với công tác xã hội hóa, một trong những cách làm hay, hiệu quả được Nhà trường đưa ra đó là: Nhà trường chỉ hỗ trợ học viên cho các thầy mới, nhà đầu tư mới 1 - 2 khóa đầu; sau đó, các thầy, các nhà đầu tư có thể tự tuyển sinh học viên và tự phát triển. Theo lý giải của nhà trường, việc gắn trách nhiệm như vậy bên cạnh việc giữ uy tin cho nhà trường, thì các thầy còn nâng cao trách nhiệm cá nhân trong công tác giảng dạy, để làm sao chất lượng được tốt nhất, học sinh học được tốt nhất và đặc biệt sẽ không nảy sinh vấn đề tiêu cực.

Những cách làm quyết đoán, hiệu quả trong công tác xã hội hóa đào tạo nghề, điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, mà còn nâng cao đời sống thu nhập cho cán bộ, giáo viên, người lao động và các nhà đầu tư. 

Minh chứng cho sự thành công này là gần đây nhất, năm 2024 nhà trường đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho Nhà nước trên một tỷ đồng. Với cách làm, cách đầu tư và triển khai xã hội hóa như vậy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 tự tin khẳng định, họ sẵn sàng tự chủ, thậm chí sẽ chủ động xin tự chủ trong thời gian tới để phát triển tốt hơn. Và chúng tôi cũng kỳ vọng, tin tưởng rằng với cách làm quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường, khi được tự chủ, thì "giấc mơ" trở thành cơ sở đào tạo nghề trọng điểm khu vực phía Bắc của Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 sẽ trở thành hiện thực.