♦ Thưa GS.TS Lê Hùng Lân, phát triển ĐTTM có tính chất liên ngành, liên quan tới nhiều lĩnh vực. Các quyết định về hoạch định dự án ĐTTM chỉ thực sự tốt nếu đầu vào là nguồn dữ liệu chính xác, đầy đủ. Ông đánh giá thế nào về hiện trạng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị Việt Nam hiện nay?

- Năm 2016, Liên minh Viễn thông thế giới định nghĩa chung ĐTTM phát triển bền vững là đô thị đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông ICT và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa và xã hội. Đây là định nghĩa mang tính phổ quát nhất về ĐTTM cho đến nay.

Tại Việt Nam, ngày 01/8/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã xác định 7 nguyên tắc, quan điểm và 4 nội hàm chủ yếu cho phát triển ĐTTM trong giai đoạn hiện nay, gồm: Quy hoạch ĐTTM; Xây dựng và quản ĐTTM; Cung cấp tiện ích ĐTTM cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị; Cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT, trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian ĐTTM được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

Theo số liệu từ Hội thảo "Thành phố thông minh: Quản trị, điều hành linh hoạt dựa trên dữ liệu" đã diễn ra ngày 02/12/2024 tại Hà Nội, hiện đã có 54 địa phương của Việt Nam đã và đang triển khai các đề án liên quan đến ĐTTM, tập trung vào các lĩnh vực như giao thông, môi trường, y tế và hành chính. Hạ tầng 5G, cáp quang, trung tâm điều hành IOC dần phổ cập, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các ĐTTM tại Việt Nam.

Ngoài việc triển khai đề án ở mức tỉnh thành, nhiều địa phương cũng đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển ĐTTM ở cấp độ thành phố, thị xã, quận huyện (nay là cấp xã, phường, đặc khu) để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.

♦ Vậy định hướng phát triển dữ liệu phục vụ ĐTTM nên như thế nào, thưa ông?

- Chúng ta cần hiểu rằng, khi ngày càng nhiều thành phố bắt đầu xây dựng ĐTTM thì dữ liệu sẽ đóng vai trò chính trong việc hiện thực hóa thành công quá trình đó.

Dữ liệu được coi là xương sống, là mạch máu, hay hệ thần kinh của một ĐTTM. Sự khác biệt giữa ĐTTM và đô thị thông thường chính là ở việc thu thập và xử lý dữ liệu. Khả năng tích hợp, phân tích và chia sẻ lượng dữ liệu khổng lồ có sẵn theo thời gian thực cho phép một ĐTTM tối ưu hóa tài nguyên, cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân và tạo ra sự phát triển kinh tế bền vững.

Nhận thức được vai trò chia sẻ tài nguyên dữ liệu đô thị góp phần tạo ra một hệ sinh thái ĐTTM hoạt động dựa trên giá trị, từ góc độ chính sách và pháp lý, nhiều thành phố, đô thị đã nâng cao khả năng tuân thủ nghĩa vụ dữ liệu mở ở cấp độ địa phương. Tất cả các yếu tố này hỗ trợ nhu cầu phát triển của thành phố, ĐTTM, đầu tư vào các giải pháp chia sẻ dữ liệu mạnh mẽ.

Tuy nhiên, có thể nói hiện nay, công tác quản lý cơ sở dữ liệu đô thị ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, với nhiều đặc điểm khiến chúng ta rất đáng lo lắng, như rời rạc, thiếu đồng bộ; dữ liệu bị phân tán, nằm rải rác ở các hệ thống; chưa có chuẩn cấu trúc, chuẩn dữ liệu nên thiếu liên kết, kết nối dữ liệu; thiếu cơ chế cho phép địa phương tiếp cận kho dữ liệu ngành phục vụ bài toán riêng của địa phương…

Theo khảo sát của VNPT, khoảng 40% dữ liệu địa phương cần để phục vụ chỉ đạo điều hành được hình thành và quản lý bởi các hệ thống ngành dọc khiến xảy ra tình trạng chồng chéo, cát cứ thông tin dẫn đến chia sẻ dữ liệu bị hạn chế.

Tôi dẫn ra đây một ví dụ. Khi phân tích một quá trình khai thác dữ liệu phổ biến tại các đô thị như trên Hình 1 cho thấy, có nhiều phần mềm nghiệp vụ với nhiều nhà cung cấp trên các nền tảng lưu trữ tài liệu điện tử và dữ liệu khác nhau, không theo quy chuẩn, định dạng dữ liệu chung dễ dẫn đến sự ách tắc dòng chảy dữ liệu như thế nào.

Hình 1. Quá trình khai thác dữ liệu phổ biến tại công sở địa phương (nguồn VNPT).

Từ hiện trạng trên, chúng ta thấy có 2 con đường cần đi để phát triển dữ liệu phục vụ hiệu quả cho ĐTTM. Thứ nhất, chính quyền dẫn dắt, định hướng toàn bộ người dân, doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng, phát triển dữ liệu có giá trị và khai thác tài nguyên dữ liệu để chỉ đạo điều hành, nhằm tạo ra cơ hội mới và định hình lại lợi thế cạnh tranh của địa phương. Thứ hai, dữ liệu cần được tiêu chuẩn hóa để tạo thành dòng chảy xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương, chú ý xây dựng các quy chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn cơ sở về dữ liệu.

♦ Cảm ơn ông đã cho bạn đọc tiếp cận vấn đề bằng hình ảnh có vẻ dễ hình dung hơn. Vậy làm thế nào để khai thác hiệu quả ngân hàng dữ liệu phục vụ tốt công tác vận hành, điều hành ĐTTM?

- Vâng, chúng ta trở lại bằng hình ảnh. Như ở Hình 2 tôi có, đây là mô tả quan hệ giữa các loại hình dữ liệu từ dữ liệu gốc quốc gia, dữ liệu chủ và dữ liệu hoạt động và nghiệp vụ của ĐTTM. Trong đó, dữ liệu chủ là dữ liệu chứa thông tin cơ bản nhất để định danh và mô tả các đối tượng thực thể nghiệp vụ cốt lõi và độc lập, dữ liệu chủ có trong cơ sở dữ liệu của bộ, ngành và địa phương. Cơ sở của việc quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước hiện đã được quy định trong Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.

Hình 2. Cách tiếp cận khai thác dữ liệu (nguồn VNPT).

Để xây dựng năng lực dữ liệu giúp quản trị thông minh trong ĐTTM cần chú ý các yêu cầu sau:

Về khả năng kết nối, thu thập dữ liệu, thể hiện ở 3 yếu tố: Tốc độ, đáp ứng lượng dữ liệu lớn, di chuyển liên tục; kích thước, xử lý được tình huống dữ liệu tăng đột ngột trong thời gian ngắn; tần suất, xử lý dữ liệu theo thời gian thực (streaming) hoặc theo dữ liệu lô (giây, phút…).

Về lưu trữ dữ liệu lớn và an toàn. Việc lưu trữ được tất cả các loại dữ liệu, với kích thước file không giới hạn; định dạng: dữ liệu có cấu trúc, bán cấu trúc (file json, csv) hay phi cấu trúc (file hình ảnh, âm thanh…); dễ dàng mở rộng không gian lưu trữ và tốc độ xử lý; an toàn dữ liệu được đảm bảo an toàn, tin cậy.

Về phân tích thông minh gồm phân tích chuyên sâu học máy (ML), học sâu (DL)…; phân tích và xử lý dữ liệu lớn (Big Data); khai phá mô phỏng dự báo hình thành các dữ liệu giá trị gia tăng mới.

Về khai thác dữ liệu gồm trực quan hóa dữ liệu thông minh, báo cáo động; cung cấp dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, vùng; chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp.

Trong mỗi ĐTTM, để hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định nhanh, toàn diện, chính xác, đúng bối cảnh…, chúng ta cần có một hồ chứa dữ liệu, cung cấp dữ liệu đảm bảo 4 yêu cầu sau:

Đúng: Dữ liệu phải chính xác, phản ánh đúng thực tế;

Đủ: Đủ dữ liệu cần thiết để phân tích và ra quyết định;

Sạch: Làm sạch bằng cách loại bỏ các dữ liệu lỗi, trùng lặp, không hợp lệ, thiếu sót;

Sống: Dữ liệu phải được cập nhật liên tục, phản ánh thay đổi trong thời gian thực.

♦ Hạ tầng công nghệ thông tin là cấu trúc để kết nối, cho phép định hướng xây dựng ĐTTM. Theo ông, hiện nay năng lực, cơ sở công nghệ thông tin của Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu về phát triển ĐTTM?

- Hạ tầng dữ liệu thông tin đô thị là "hệ thần kinh số" của ĐTTM, là một trong những yêu cầu quan trọng để phân biệt một ĐTTM và chưa thông minh.

Hạ tầng công nghệ thông tin, hay còn được gọi là hạ tầng số, là hạ tầng thiết yếu, quan trọng để kết nối, tạo lập và duy trì dòng chảy dữ liệu của nền kinh tế số, xã hội số, bao gồm cả hạ tầng vật lý (hạ tầng viễn thông băng rộng, các trung tâm dữ liệu) và hạ tầng mềm (điện toán đám mây, kết nối IoT) với tốc độ cao, băng rộng nhằm đáp ứng tất cả các nhu cầu của nền kinh tế số, xã hội số.

Theo "Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030", hạ tầng số Việt Nam có 4 thành phần chính là hạ tầng viễn thông và Internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng vật lý số, hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ.

Hạ tầng kết nối bao gồm hệ thống mạng cáp quang đến từng hộ gia đình, mở rộng băng thông Internet kết nối quốc tế, phát triển mạng 5G, mạng và thiết bị IoT, các thiết bị đầu cuối… Về mạng cáp quang, trong nước hiện có 4 nhà cung cấp mạng cáp quang gồm VNPT (54,6% thị trường Internet toàn quốc), FPT, Viettel Telecom (11,43% thị trường) và Netnam.

Đến cuối năm 2024, hơn 82% hộ gia đình Việt Nam đã có Internet cáp quang băng rộng. Mục tiêu của chiến lược hạ tầng số là đến năm 2025 phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G; phấn đấu trung bình mỗi người dân có 1 kết nối Internet vạn vật (IoT - Internet of Things); mỗi người dân có 1 định danh số.

Hạ tầng điện toán và lưu trữ bao gồm trung tâm dữ liệu (máy chủ, máy trạm, GPU, thiết bị an toàn thông tin) và điện toán đám mây (dịch vụ IaaS, PaaS…). Một số nghiên cứu dự báo, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đến năm 2030 sẽ giữ tốc độ tăng trưởng hai con số (khoảng 11 - 12%). Trong đó, có 4 nhà cung cấp lớn trong nước (Viettel, VNPT, FPT, CMC) chiếm tỷ trọng 97% thị trường.

Có một thực tế đáng quan tâm, đó là thị trường điện toán đám mây của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á. Dự báo tốc độ tăng trưởng thị trường điện toán đám mây Việt Nam trong 5 - 10 năm tới sẽ ở mức 19 - 20%; quy mô thị trường đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 768 triệu USD và 1,2 tỷ USD vào năm 2030.

Một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Việt Nam là VNPT đã và đang cung cấp cho khách hàng trong nước, quốc tế những dịch vụ đa dạng là các giải pháp trong hệ sinh thái Cloud như hạ tầng (IAAS), dịch vụ nền tảng (PAAS) và kết nối đa đám mây (Multi Cloud). Trong đó, IAAS chuyên cung cấp các giải pháp về computer, network và lưu trữ dữ liệu. PAAS cung cấp các giải pháp về microservices, quản lý điều phối các ứng dụng container. Multi Cloud hợp tác với AWS và các hãng công nghệ lớn như Azure, Google Cloud.

Như vậy, có thể nói rằng, năng lực, cơ sở công nghệ thông tin của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu về phát triển ĐTTM trong nước.

♦ Đó là góc nhìn tổng thể. Trong hạ tầng ĐTTM, trung tâm điều hành (IOC) là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Vậy vai trò, chức năng cụ thể của IOC là gì, thưa ông?

- Trong hạ tầng một ĐTTM, trung tâm điều hành thông minh (Intelligent Operations Center - IOC) là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Đây là nền tảng tích hợp dữ liệu và công nghệ thông tin, giúp giám sát, theo dõi và điều hành các hoạt động hàng ngày của thành phố, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thành phố.

Trung tâm điều hành thông minh cung cấp cho lãnh đạo chính quyền cách nhìn toàn diện, tập trung về các hoạt động đang tiếp diễn, thực hiện giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể, cho phép phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng phương án tổ chức, quy chế, chính sách điều hành với các tình huống cụ thể trên tất cả các lĩnh vực. Với sự hỗ trợ từ trung tâm điều hành thông minh IOC, quá trình tiến đến mục tiêu thành phố thông minh trở nên thuận lợi hơn, giảm bớt gánh nặng cho chính phủ, nhà lãnh đạo và cơ quan quản lý, vận hành.

Hệ thống IOC thông thường bao gồm rất nhiều trung tâm thành phần: Trung tâm giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền và các dịch vụ công ích; trung tâm phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội; trung tâm giám sát, điều hành và xử lý vi phạm giao thông; trung tâm tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; trung tâm ứng cứu, hỗ trợ khẩn cấp; trung tâm giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng...

Hình 3. Sơ đồ thực hiện phát triển ĐTTM theo cấp độ (nguồn - VNPT).

Hệ thống IOC chịu trách nhiệm đảm nhận một số chức năng như: Phân tích dữ liệu số, báo cáo tình huống và đưa ra dữ liệu kịp thời; cập nhật thông tin liên tục, kết nối mọi thiết bị ngoại vi và các nguồn dữ liệu từ nhiều lĩnh vực; giám sát và điều hành thành phố trên nền tảng công nghệ tiên tiến và thống nhất; giúp lãnh đạo kịp thời đưa ra chỉ đạo và theo dõi mọi nơi nhờ ứng dụng linh hoạt và đa nền tảng; toàn bộ dữ liệu đều được chuẩn hóa theo thời gian thực giúp cho việc điều hành và chỉ đạo luôn được diễn ra nhanh, kịp thời.

Trong trung tâm điều hành thông minh, tổng thể tình hình của thành phố hoặc khu vực sẽ được hiển thị trên bảng điều khiển hoặc giao diện đồ họa. Bảng điều khiển giúp trả lời câu hỏi IOC là gì, đồng thời cung cấp cho nhà quản lý một cái nhìn tổng quan về hoạt động của thành phố và các thông tin liên quan, giúp họ đưa ra quyết định và phản ứng nhanh chóng trong các tình huống khẩn cấp hoặc để quản lý tình trạng tổng thể.

♦ Vậy, tình hình xây dựng các IOC trong nước hiện nay như thế nào và xu hướng phát triển IOC cũng như ĐTTM trong nước ra sao?

- Hiện nay, Việt Nam có hơn 50 địa phương đã triển khai IOC cấp tỉnh và gần 200 IOC cấp huyện. Các đô thị đều đã hoàn thiện các hạ tầng cơ bản như dữ liệu, truyền dẫn và giải pháp. Hầu hết các đô thị xây dựng những ứng dụng thông minh để hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cung cấp giải pháp xây dựng IOC hàng đầu trong nước hiện là VNPT, Viettel, FPT…, trong đó VNPT từng là đơn vị triển khai Trung tâm điều hành thông minh của Văn phòng Chính phủ, đã triển khai 36 IOC cấp tỉnh và 54 IOC cấp huyện tại 45 địa phương trên cả nước.

Sau khi Đề án 950 được ban hành, một số địa phương đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án để triển khai phát triển ĐTTM, đạt được một số thành công nhất định, đồng thời khắc phục được một số vấn đề gặp phải của các địa phương tiên phong như đầu tư có phần dàn trải trên nhiều lĩnh vực, khó khăn trong phân công tổ chức thực hiện.

Việc triển khai Đề án 950, các bộ, ngành đã và đang nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn về phát triển ĐTTM.

Cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng đã nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng 2014, trong đó bổ sung quy định về việc khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, ĐTTM, quy định về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng đô thị thông minh; hoàn thiện xây dựng danh mục hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng phục vụ phát triển ĐTTM tại Việt Nam; ban hành hướng dẫn tổ chức thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển ĐTTM…

Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, đã ban hành khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM (phiên bản 1.0); công bố bộ chỉ số ĐTTM Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0); hướng dẫn các địa phương triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM...

Lĩnh vực KHCN đã công bố 46 tiêu chuẩn TCVN phục vụ phát triển ĐTTM. Lĩnh vực GTVT đã ban hành hệ thống tiêu chuẩn phục vụ phát triển ĐTTM và đang tiếp tục nghiên cứu các công nghệ mới phục vụ phát triển giao thông thông minh.

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia".

♦ Vậy, chúng ta sẽ triển khai ra sao trước tốc độ phát triển vượt bậc của các công nghệ mới để thực sự hỗ trợ cho công tác quản lý điều hành ĐTTM, thưa ông?

- Đúng là chúng ta không thể chạy theo công nghệ, không phải đầu tư hạ tầng rồi để đấy. Hạ tầng cơ sở dữ liệu và công nghệ sẽ là chìa khóa để giúp chúng ta ra những quyết định đúng, nhanh và kịp thời nhất, phục vụ yêu cầu phát triển.

Từ các giải pháp như tôi đã nói ở trên, nội dung cần đẩy mạnh trong giai đoạn sắp tới để thực hiện phát triển ĐTTM tại Việt Nam đó là tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án 950 về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về lĩnh vực ĐTTM; thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng ĐTTM; phát triển và ứng dụng các tiện ích ĐTTM; đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực trong và ngoài nước.

Hiện nay, dự thảo bộ tiêu chí ĐTTM bền vững phiên bản 1.0 đã được Bộ Xây dựng xây dựng và đang lấy ý kiến. Bộ tiêu chí ĐTTM bền vững với phiên bản 1.0 gồm có 66 tiêu chí được phân theo 17 nhóm tiêu chí đánh giá với 4 cấp độ trưởng thành của ĐTTM.

Nội dung 4 cấp độ trưởng thành gồm: Cấp độ 1 áp dụng tiêu chí ĐTTM (12 tiêu chí); cấp độ 2 xây dựng và phát triển ĐTTM (30 tiêu chí); cấp độ 3 phát triển ĐTTM tiên phong (54 tiêu chí); cấp độ 4 tầm nhìn phát triển ĐTTM bền vững (66 tiêu chí).

Dự thảo đã chỉ ra các cấp độ phát triển của ĐTTM bao gồm hạ tầng số và dữ liệu số. Các cấp độ này cũng phù hợp với 4 giai đoạn trưởng thành của kỹ thuật công nghệ khai phá dữ liệu lớn.

Cụ thể, cấp độ 1 là cấp độ đầu tiên của ĐTTM, dữ liệu từ các hệ thống phân tán được thu thập về trung tâm tích hợp dữ liệu và thực hiện trực quan hoá dữ liệu phục vụ quản lý đô thị.

Cấp độ 2 là cấp độ xây dựng và phát triển ĐTTM, với sự phát triển của các công cụ tích hợp, phân tích dữ liệu, dữ liệu được tích hợp đa nguồn và cho phép đưa ra các cảnh báo sớm ở nhiều khía cạnh giám sát, điều hành và quản lý đô thị.

Cấp độ 3 là phát triển ĐTTM tiên phong, với sự hỗ trợ của các công cụ phân tích dự báo, cho phép đưa ra các dự báo về khả năng có thể xảy ra trong tương lại dựa trên dữ liệu lịch sử.

Cấp độ 4, cấp độ cao nhất của ĐTTM thể hiện tầm nhìn phát triển ĐTTM bền vững, với sự phát triển vượt bậc của các công nghệ mới AI và xử lý dữ liệu lớn theo thời gian thực, cho phép hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định tức thời.

♦ Trân trọng cảm ơn ông!

oàng Thạch
ế Công