Ô nhiễm không khí ở Hà Nội là thực trạng không chỉ mới diễn ra mà đã xuất hiện từ rất lâu. Chính quyền Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này và đều đã có lộ trình rõ ràng, không thể sớm đạt mục tiêu ngày 1, ngày 2.
Ngày 18/7, trong buổi Tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh” do Báo Dân Trí tổ chức, ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư Sở Xây dựng TP Hà Nội chia sẻ những nhiệm vụ của Nghị quyết 04 đã được ban hành từ năm 2017.
Theo ông Thành, Nghị quyết 04 của HĐND TP Hà Nội là một trong những Nghị quyết nền tảng, định hướng rất quan trọng, mang tính chất trước mắt, lâu dài và bền vững cho Thủ đô Hà Nội.
Nhiệm vụ chuyển đổi phương tiện xanh của Hà Nội đã có từ năm 2017.
Theo đó, HĐND TP Hà Nội đã triển khai đầy đủ các quy trình, thủ tục để thông qua nghị quyết này đưa ra được 16 bước, trong đó có cả lấy ý kiến của người dân Thủ đô, phản biện xã hội, đi qua tất cả các quy trình, thủ tục để ban hành được Nghị quyết 04.
Sau khi Nghị quyết 04 được ban hành, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 212 với khoảng 45 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, toàn diện liên quan đến tất cả các lĩnh vực, ngành của TP Hà Nội hướng đến mục tiêu là giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến 2030, như vậy là lộ trình rất rõ ràng, mốc cụ thể từng giai đoạn.
Đặc biệt, với 45 nhiệm vụ, trong đó ông Thành nêu 4 nhiệm vụ chính cần phải triển khai theo lộ trình đến năm 2030:
Thứ nhất, Hà Nội phải tăng cường kết cấu, hạ tầng giao thông cho Thủ đô. Thứ hai, phát triển vận tải công cộng cho Hà Nội. Thứ ba là áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông để giảm ùn tắc giao thông, điều tiết giao thông. Thứ tư là phải chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh cho Thủ đô Hà Nội.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm, đến nay Hà Nội đã triển khai nhiều phương án, trong đó có phương tiện công cộng.
Ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư Sở Xây dựng TP Hà Nội. Ảnh Thành Đông.
“Đến thời điểm hiện nay, Hà Nội có 154 tuyến xe buýt, cộng 2 tuyến đường sắt đô thị còn năm 2017 chúng ta chỉ có 109 tuyến buýt và chưa có tuyến đường sắt đô thị nào đưa vào khai thác, vận hành. Bên cạnh đó, liên quan đến việc chuyển đổi năng lượng xanh, đến giờ phút này chúng ta đã có 26 tuyến/154 tuyến buýt chạy bằng năng lượng xanh, năng lượng sạch còn 2017 chưa có tuyến nào chạy bằng năng lượng xanh, năng lượng sạch”, Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư Sở Xây dựng TP Hà Nội dẫn số liệu.
Không chỉ phương tiện công cộng hay cá nhân đang dần phổ biến và chuyển đổi sang các xe năng lượng xanh mà ngay cả lực lượng xe dịch vụ taxi cũng đã tích cực thay đổi nhận thức.
Ông Thành cho biết, đến nay gần 8.000 phương tiện taxi hiện nay đã sử dụng điện/19.000 phương tiện, đạt gần 50%.
Theo yêu cầu của Chính phủ đến năm 2050, chuyển đổi năng lượng xanh cho tuyến buýt, hiện nay phải hoàn thành. Tuy nhiên, riêng UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu ra đến 2030, 100% xe buýt của Hà Nội sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch.
Nhận định về lộ trình cấm xe xăng dầu, ông Nguyễn Đại Hoàng - Admin diễn đàn Otofun cho rằng, xe máy là phương tiện thuận tiện, mưu sinh của nhiều gia đình, với số lượng lớn. Nhiều người dân sử dụng xe máy không chỉ trong Vành đai 1 mà còn ra ngoài. Do đó, chính sách này khi áp dụng sẽ tác động đến cuộc sống người dân.
"Để thay đổi được thói quen của người dân là vấn đề rất lớn, cần có nhiều biện pháp dài hơi. Ngoài thay đổi nhận thức của người dân, cần nhiều hơn sự hỗ trợ, thay đổi về hạ tầng, phương tiện công cộng", ông Hoàng nói thêm.
Từ đó có thể thấy, chuyển đổi phương tiện xanh không phải câu chuyện mới khi Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, mà Hà Nội đã có lộ trình cách đây 8 năm và bước đầu đã có kết quả trong việc chuyển đổi phương tiện, nâng cao chất lượng phương tiện công cộng, hạ tầng giao thông.
Các nước phát triển trên thế giới đều từng phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nặng nề. Đó là sự đánh đổi để phát triển kinh tế, nhưng điều đó được nhiều quốc gia giải quyết một cách triệt để.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Thành cho biết, vấn nạn về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã diễn ra cách đây 20 năm: “Vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại Bắc Kinh là khủng khiếp, còn hơn chúng ta bây giờ nhưng lãnh đạo từ Trung ương Trung Quốc đến lãnh đạo Bắc Kinh quyết tâm làm”.
Khi triển khai những biện pháp cứng rắn để giải quyết ô nhiễm môi trường, Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư Sở Xây dựng TP Hà Nội nhận định được những khó khăn ở Việt Nam trong giai đoạn đầu.
Chuyển đổi phương tiện xanh góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
“Khi chia sẻ, học tập kinh nghiệm từ các nước bạn, trong giai đoạn đầu tôi cảm nhận được sự khó khăn, phản ứng dữ dội từ phía người dân. Nhưng sau khi hiểu rằng bản chất chúng ta làm chính là vì dân, lo cho sức khỏe người dân, lo cho thủ đô xứng tầm nên phải quyết tâm làm”, vị này nói.
Để chính sách phát huy hiệu quả, sự ủng hộ của người dân là rất quan trọng và bên cạnh đó là quyết tâm chính trị, đây là 2 yếu tố cơ bản và bài học kinh nghiệm.
Dù học tập kinh nghiệm từ Bắc Kinh, nhưng ông Thành cũng cho rằng, Việt Nam chưa thể so sánh với họ được vì còn nhiều rào cản.
“Chúng ta phải gắn với thực tiễn, Thủ đô Bắc Kinh có thể làm rộng ngay nhưng Hà Nội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là ta không nên tràn lan ngay mà mở rộng một cách có lộ trình, dần dần. Bắc Kinh trước đây họ làm đến vành đai 3 và bây giờ đã đến tận vành đai 4”, ông Thành nêu khó khăn.
Khác biệt lớn nhất của Việt Nam so với Trung Quốc chính là kinh tế, hạ tầng giao thông nên việc triển khai chuyển đổi phương tiện cần có lộ trình.
Xe xăng dầu vẫn là phương tiện mưu sinh của đại đa số người dân nên việc chuyển đổi ngay sang xe điện là điều khó. Do đó, riêng xe máy đã có lộ trình chuyển đổi trong vòng 1 năm nữa và ô tô nhiên liệu hóa thạch là gần 1,5 năm trước khi các loại phương tiện này bị cấm lưu thông ở Vành đai 1 Hà Nội.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.