Hà Nội cấm xe xăng dầu: Tranh cãi, nhưng không thể đảo ngược xu thế

Tác giả: Khải Phạm

saosaosaosaosao
Thị trường xe 14/07/2025 06:00

Khi xu thế xe điện đang lên ngôi, việc cấm xe xăng dầu để giảm ô nhiễm khó đảo ngược, có chăng là việc thực hiện sớm hay muộn mà thôi.


Cần sớm giảm ô nhiễm cho Thủ đô

Ngày 12/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.

Hà Nội cấm xe xăng dầu: Tranh cãi, nhưng không thể đảo ngược xu thế - Ảnh 1.

Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng nề bởi phương tiện giao thông xăng dầu.

Từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu, ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.

Không chỉ vậy, thành phố Hà Nội sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sạch, tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số và giá trông giữ với xe chạy xăng, dầu trong khu vực trung tâm.

Trước đó vào tháng 12/2024, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết thực hiện vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ 1/1/2025. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội sẽ thí điểm vùng LEZ tại khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình và khuyến khích nhân rộng sang các địa bàn khác. Sau năm 2031, việc thực hiện vùng phát thải thấp sẽ là bắt buộc tại các khu vực có nguy cơ cao.

Việc này được coi là cấp bách và cần thiết khi người dân Thủ đô đang phải sống trong bầu không khí ô nhiễm nhiều năm qua với chỉ số AQI cao hàng đầu thế giới. Một phần nguyên nhân lớn gây ra tình trạng ô nhiễm không khí đến từ phương tiện giao thông phát thải.

Ngoài ra, việc giảm phát thải từ các phương tiện giao thông cũng là một phần trong lộ trình cam kết Net Zero đến năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện. Hà Nội là trung tâm của cả nước nên việc đi đầu trong quyết tâm giảm ô nhiễm bằng việc hạn chế các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch là điều cần thiết.

Khi Chỉ thị 20 được ban hành, nhiều người dân tỏ ra bất ngờ và có không ít ý kiến, nhưng quan trọng nhất vẫn là triển khai những biện pháp cần thiết để Hà Nội giảm bớt ô nhiễm, gia tăng chất lượng cuộc sống.

Cấm xe xăng dầu, phát triển xe điện là xu thế không thể đảo ngược

Hà Nội cấm xe xăng dầu: Tranh cãi, nhưng không thể đảo ngược xu thế - Ảnh 2.

Xe điện là xu thế không thể đảo ngược.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của xe điện, thậm chí loại phương tiện xanh này được coi là trọng tâm trong giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.

Trung Quốc là quốc gia được coi là “anh cả” trong phát triển xe điện, không những làm sớm mà nước này còn làm quyết liệt.

Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) trong những năm 2010 - 2013 là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới khi nồng độ bụi mịn PM2.5 bình quân tháng gần đạt mức 160 μg/m3. Trong khi đó, chỉ số PM2.5 bình quân năm 2013 của thành phố này là 89,5 μg/m3, vượt mức tiêu chuẩn quốc gia 35 μg/m3 tới 156%.

Theo nhận định của các nhà chức trách, phát thải của phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm. Thống kê công bố, nguồn bụi mịn PM2.5 ở Bắc Kinh do khí thải ô tô chiếm tới 45% nguồn phát thải hình thành bụi mịn, các phương tiện xăng tạo ra 69% hợp chất oxit nitơ và hơn 90% các hạt bụi của tổng lượng phát thải xe cơ giới.

Nhận thấy vấn đề lớn này, nhà chức trách Bắc Kinh đầu tư, phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông xanh với con đường duy nhất là xe điện. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt chính sách nhằm tạo động lực phát triển cho ngành công nghiệp cho tương lai.

Đầu tiên, trong giai đoạn từ 2009 - 2022, nhà chức trách nước này đã chi hơn 200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 29 tỷ USD) dành riêng cho các khoản trợ cấp và giảm thuế cho xe điện nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện.

Tiếp đó, nhiều thành phố tại Trung Quốc đã thực hiện đấu giá hoặc quay số để người dân được đăng ký biển số xe mới. Riêng Bắc Kinh, biển số ô tô xăng/dầu được cấp thông qua quay số, người trúng số được đăng ký xe. Trong khi đó, xe điện được ưu tiên cấp biển số ngay và được giảm 50% phí đăng ký xe cũng như một số khoản phí khác.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc, phát triển các công nghệ như pin xe điện, công nghệ tự lái để không phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.

Trong khi đó, Na Uy cũng đã chính thức cấm bán xe xăng dầu từ năm 2025 và đẩy mạnh xây dựng mạng lưới trạm sạc với hơn 5.600 trạm sạc nhanh trải dài 1.700 km.

Với hai tấm gương lớn về các quốc gia phát triển mạnh xe điện để giảm ô nhiễm môi trường, Việt Nam cần phải lấy đó làm bài học.

Hà Nội sẽ là địa phương triển khai đầu tiên lộ trình cấm xe xăng dầu từ nay đến năm 2030. Giai đoạn đầu, người dân vẫn còn bỡ ngỡ, tranh cãi, nhưng khi xe điện là xu thế tất yếu của toàn thế giới thì Việt Nam không thể đảo ngược, chỉ có điều là sớm hay muộn và đây được coi là thời điểm thích hợp.