Chuẩn bị đầu tư 5 dự án cao tốc hơn 152 nghìn tỷ đồng

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đầu tư giao thông 12/05/2025 15:36

5 dự án cao tốc chuẩn bị được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 152 nghìn tỷ đồng, gồm: Bắc Kạn - Cao Bằng, Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 2), Vinh - Thanh Thủy, Quảng Ngãi - Kon Tum, Quy Nhơn - Pleiku.

Chuẩn bị đầu tư 5 dự án cao tốc hơn 152 nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc giao cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư 5 tuyến đường bộ cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 2), Vinh - Thanh Thủy, Quảng Ngãi - Kon Tum, Quy Nhơn - Pleiku. Tổng mức đầu tư của 5 dự án khoảng 152.074 tỷ đồng.

Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 18/8/2023 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Kạn và UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Quá trình triển khai, do khả năng huy động nguồn lực rất khó khăn, hai địa phương đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đưa dự án đầu tư tuyến cao tốc vào trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ Xây dựng và giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, về phạm vi dự kiến dự án có điểm đầu kết nối với tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn đang triển khai; điểm cuối kết nối với đường vành đai TP Cao Bằng, chiều dài nghiên cứu khoảng 87,3 km. Dự kiến dự án được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 29.894 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 2) đoạn Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, theo Bộ Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Văn bản số 2404/VPCP-CN ngày 22/3/2025 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Tài chính, UBND tỉnh Hà Giang đề xuất phương án đầu tư tuyến cao tốc, trong đó xem xét triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư công trong giai đoạn 2026 - 2030 và giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản theo kiến nghị của UBND tỉnh Hà Giang.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, về phạm vi dự kiến dự án có điểm đầu kết nối với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đang triển khai; điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (khoảng Km307+500 QL2), chiều dài nghiên cứu khoảng 58,5 km. Dự án dự kiến được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 14.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.

Cao tốc Vinh - Thanh Thủy, Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Văn bản số 3171/VPCP-CN ngày 14/4/2025 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Tài chính, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất phương án đầu tư tuyến cao tốc (UBND tỉnh Nghệ An đề xuất Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản) và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất triển khai dự án theo hình thức đầu tư công (có sử dụng một phần ngân sách địa phương) và giao UBND tỉnh Nghệ An là cơ quan chủ quản để triển khai thực hiện dự án theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1789/VPCP-KTTH ngày 23/4/2025.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, về phạm vi dự kiến dự án có điểm đầu ở khu vực giao với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt tại nút giao Hưng Tây; điểm cuối tại khu vực cặp cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On biên giới Việt Nam - Lào, chiều dài nghiên cứu khoảng 65 km. Dự án được dự kiến đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 - 120km/h, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 19.591 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.

Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 48/TB-VPCP ngày 18/02/2025 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum đề xuất phương án đầu tư tuyến cao tốc, trong đó xem xét triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư công trong giai đoạn 2026 - 2030 và Bộ Xây dựng chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo đề xuất của địa phương.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, phạm vi dự kiến dự án có điểm đầu giao với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; điểm cuối giao với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài nghiên cứu khoảng 144 km. Dự án được dự kiến đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h - 100 km/h, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 44.355 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.

Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1205/VPCP-CN ngày 14/02/2025 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh Bình Định, Gia Lai đề xuất phương án đầu tư tuyến cao tốc, trong đó xem xét triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư công trong giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030.

Bộ Xây dựng đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước đã thẩm định dự án. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 30/TTr-BXD ngày 25/4/2025 kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án, trong đó đề nghị chia thành 02 dự án thành phần và giao Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Gia Lai làm cơ quan chủ quản.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, phạm vi dự kiến dự án có điểm đầu tại QL19B (khoảng lý trình Km39+200 trên QL19B), điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh (khoảng lý trình Km1606+770 trên đường Hồ Chí Minh), chiều dài nghiên cứu khoảng 125 km. Dự án được dự kiến đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.

Kiến nghị để sớm triển khai đầu tư 5 tuyến cao tốc trên, Bộ Xây dựng nêu rõ: "Về cơ quan chủ quản, quá trình triển khai, mặc dù các địa phương có các tuyến cao tốc đi qua đã đề xuất giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1789/VPCP KTTH ngày 23/4/2025 và chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, Bộ Xây dựng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao cơ quan chủ quản thực hiện các tuyến cao tốc trên".

Để bảo đảm thống nhất từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn thực hiện đầu tư, trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định giao địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư 5 tuyến cao tốc nêu trên, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cho một địa phương là cơ quan chủ quản.

Cụ thể, cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng giao UBND tỉnh Cao Bằng do có kinh nghiệm hơn trong việc thực hiện đầu tư cao tốc; Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 2 giao UBND tỉnh Hà Giang; Vinh - Thanh Thủy giao UBND tỉnh Nghệ An do tuyến chỉ qua một địa phương; Quảng Ngãi - Kon Tum giao UBND tỉnh Quảng Ngãi, Quy Nhơn - Pleiku giao UBND tỉnh Gia Lai để phù hợp với đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sáp nhập, hợp nhất; Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan bàn giao kết quả nghiên cứu sơ bộ nêu trên cho địa phương để triển khai các bước tiếp theo.

Ý kiến của bạn

Bình luận