Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị 20 yêu cầu Hà Nội thực hiện hàng loạt biện pháp cấp bách để bảo vệ môi trường. Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu Hà Nội chấm dứt xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1 từ ngày 1/7/2026.
Sau đó, từ 1/1/2028, Hà Nội sẽ bắt đầu hạn chế ô tô cá nhân dùng xăng, dầu trong vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, việc hạn chế sẽ mở rộng với toàn bộ phương tiện cá nhân chạy nhiên liệu hóa thạch trong khu vực vành đai 3.
Điều này là hoàn toàn hợp lý bởi người dân Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong vài ngày gần đây, chỉ số AQi của Hà Nội liên tục cao thứ 2 thế giới, đáng chú ý là chỉ số bụi mịn PM2.5 luôn ở mức cao.
“Dù là mùa hè, nhưng 2 hôm nay, bầu trời ở Hà Nội lúc nào cũng mờ mịt, không khí rất ngột ngạt vì tình trạng bụi không thể thoát”, chị Quỳnh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Tình trạng ô nhiễm không khí đang bao trùm Hà Nội.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức báo động đỏ, điều không thường thấy vào mùa hè. Điều đó cho thấy, chất lượng không khí ở Thủ đô đang ô nhiễm nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lượng xe máy chiếm tới 87% tổng số phương tiện. Loại phương tiện này có lượng khí thải lớn đóng góp đáng kể vào ô nhiễm bụi mịn PM2.5, NOx và HC – các tác nhân trực tiếp gây ra bệnh hô hấp, tim mạch và nhiều hệ lụy sức khỏe khác.
Trong cuộc họp với 126 xã, phường chiều ngày 14/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT) trên địa bàn là vì người dân, chính quyền vì người dân.
Chủ tịch Hà Nội đề cập đến vấn đề cấm xe máy và việc người dân sử dụng xe máy cũ nát từ đã “mấy chục năm” để mưu sinh, nhưng lại làm hại những người xung quanh thì không được: “Anh chỉ lấy một đồng thôi nhưng lại bắt hàng nghìn người khác mua thuốc thì độc hay hại”.
Không chỉ Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai sâu rộng toàn diện mà ngay Hà Nội cũng quyết tâm loại bỏ xe xăng dầu theo lộ trình. Từ nay đến thời điểm loại bỏ hoàn toàn xe xăng dầu trong khu vực vành đai 1, trung tâm Hà Nội, người dân vẫn còn 1 năm để chuyển đổi phương tiện, tránh gián đoạn công việc, nhu cầu mưu sinh bằng phương tiện cá nhân.
Một trong những vấn đề lớn không chỉ bây giờ mà ngay khi xe điện phát triển ở Việt Nam từ 2 - 3 năm trước, hệ thống hạ tầng trạm sạc luôn là mối quan tâm, lo ngại của nhiều người. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy hoạch hệ thống trạm sạc, chưa có quy chuẩn chung về cổng sạc xe điện và đặc biệt chưa có hỗ trợ phát triển hệ thống hạ tầng quan trọng này dành cho xe điện.
VinFast là hãng xe thuần điện với các sản phẩm đa dạng từ xe máy, ô tô, nhưng doanh nghiệp vẫn phải “tự lực cánh sinh” khi bỏ hàng chục triệu USD để làm trạm sạc. Hãng này cũng tự quy hoạch mỗi 50 - 55 km sẽ có một trạm sạc ở đường quốc lộ, tỉnh lộ và trung tâm thành phố, trạm sạc cách nhau 2,5 km.
Ngoài ra, nhiều hãng xe điện khác như BYD, Geely, Yadea, Dat Bike… hoàn toàn không đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc. Điều này dẫn đến thực trạng, người dân lo ngại không có chỗ sạc khi chuyển sang dùng xe điện, đặc biệt những người ở chung cư, tập thể.
“Tôi ở tầng 8 chung cư, giờ đây việc để xe điện ở dưới hầm cũng đang gây tranh cãi rất nhiều giữa cư dân và Ban quản lý. Nếu sau này buộc phải dùng xe điện, không biết sẽ sạc và để xe ở đâu”, anh Tùng (Xuân Đỉnh, Hà Nội) chia sẻ.
Hạ tầng trạm sạc đến hiện nay vẫn đáp ứng nhu cầu người dùng xe điện.
Ông Nguyễn Huy Hải, nguyên lãnh đạo Trung tâm điều hành giao thông Hà Nội cho biết, việc chuyển đổi phương tiện này giúp người dân tránh phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm như hiện nay, cần làm càng sớm càng tốt.
“Cấm xe xăng dầu, chuyển đổi xe điện đã có lộ trình nên người dân không cần quá lo lắng, thời gian vẫn còn để chuyển đổi. Hiện nay, nhà nước và các nhà sản xuất xe điện đã tính toán nhu cầu để đảm bảo cung ứng. Đồng thời, người dân cũng không cần lo lắng về chuyện cháy nổ vì các sản phẩm xe điện bán ra thị trường đã được nghiên cứu, thử nghiệm kỹ càng để hạn chế tối đa, đảm bảo an toàn”, ông Hải chia sẻ.
Theo chuyên gia Nguyễn Thanh Hải, chuyển đổi xe xăng dầu sang xe điện không còn là của riêng Việt Nam mà diễn ra trên toàn thế giới khi ô nhiễm không khí ở mức báo động, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
“Bắc Kinh 15 năm trước là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới với hàm lượng bụi mịn cao, người dân phải đối mặt với nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch và nhiều hệ lụy sức khỏe khác. Tuy nhiên, Chính quyền đã mạnh dạn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sang xe điện dù lúc đó loại phương tiện này còn rất mới. Kết quả là gì thì ai cũng thấy rõ, Bắc Kinh giờ là một trong những thành phố sạch sẽ hàng đầu thế giới. Không làm mà chỉ lo sợ thì mãi không thể làm, không thể chuyển đổi”, ông Hải chia sẻ.
Về vấn đề hạ tầng trạm sạc, chuyên gia này cho rằng, đây là điều mà người dân lo ngại nhất, nhưng hiện vẫn đáp ứng, ngay cả khi chuyển đổi xe điện ồ ạt.
“VinFast vẫn đang tiếp tục đầu tư, nhượng quyền hệ thống trạm sạc xe điện trên toàn quốc và chưa dừng lại. Họ vẫn bán xe, song hành là phát triển trạm sạc nên cơ bản theo tôi vẫn đáp ứng tốt. Khi cấm xe xăng dầu, nếu Chính phủ hỗ trợ phát triển trạm sạc thì người dân hoàn toàn yên tâm không lo thiếu”, vị này nêu quan điểm.
Có thể thấy, cấm xe xăng dầu, chuyển đổi xe điện là xu thế tất yếu và trước thực trạng ô nhiễm như ở Hà Nội hiện nay, việc này không thể trì hoãn thêm được nữa để bảo vệ sức khỏe người dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.