Dù đang trong mùa hè, nhưng Hà Nội vẫn đang trong top đầu những thành phố ô nhiễm thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức cao. Điều này dễ nhận thấy bằng mắt thường khi lượng bụi mịn dày đặc ở Thủ đô như sương mù gây ra nhiều bệnh lý về đường hô hấp, tim mạch.
Điều này khiến Chính phủ phải hành động ngay lập tức khi mới đây Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 20 yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
Từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu, ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.
Trong khuôn khổ Tọa đàm "Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh" do báo Dân Trí tổ chức, nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan chức năng đã có những chia sẻ về thực trạng ô nhiễm báo động ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Anh Quân - Phó Giám đốc Sở NN&MT TP Hà Nội. Ảnh Thành Đông.
Nói về tính cấp thiết của Chỉ thị 20 mà Chính phủ mới ban hành, ông Nguyễn Anh Quân - Phó Giám đốc Sở NN&MT TP Hà Nội khẳng định: “Cá nhân tôi đánh giá Chỉ thị 20 của Thủ tướng mang tính cấp bách, kịp thời, cấp thiết”.
Sau khi nhận được Chỉ thị, TP Hà Nội ngay lập tức có văn bản giao cho Sở NN&MT là cơ quan chủ trì để cùng với các sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể đặt ra các tiêu chí, giải pháp, lộ trình, các chính sách phù hợp.
Theo đó, thành phố đã có dự thảo kế hoạch và đang trong quá trình xin ý kiến góp ý của các sở ngành liên quan, dự kiến sở sẽ trình thành phố trước ngày 25/7.
Trong quá trình xây dựng dự thảo kế hoạch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các lãnh đạo thành phố rất quan tâm, chỉ đạo sát sao để nghiên cứu các chính sách phù hợp. TP Hà Nội rất mong muốn có sự hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
“Chúng tôi tin rằng với những chính sách của nhà nước và của doanh nghiệp… sẽ tạo nên động lực và sức đẩy để thành phố hoàn thành yêu cầu của Thủ tướng giao là từ ngày 1/7/2026 trong khu vực Vành đai 1 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1”, ông Quân chia sẻ.
Ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Chia sẻ tại Toạ đàm . Ảnh Thành Đông.
Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 6,9 triệu xe máy và xấp xỉ gần 1,5 triệu xe máy của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động, trong đó 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ. Mô tô, xe máy chiếm 95% lượng phương tiện xe cơ giới.
“Các nghiên cứu thống kê đã chỉ ra rằng xe máy là nguồn phát thải chính tại đô thị. Cụ thể, xe máy gây ra 94% lượng hydrocarbon (HC), 87% khí CO, 57% NOx và 33% bụi mịn PM10 từ giao thông”, ông Long chia sẻ.
Đánh giá về thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội nhận định: “Đây là con số đáng lo ngại. Kết quả phân tích trên cho thấy nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở Hà Nội là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, theo thống kê chiếm 58 - 74% tùy từng thời điểm”.
Ngoài ra, theo tính toán của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, lượng phát thải từ xe máy là rất lớn, với khoảng 470.000 tấn CO/năm và 38.000 tấn HC/năm, tương đương lần lượt với tổng trọng lượng của khoảng 31.000 và 2.500 chiếc xe buýt lớn.
Mức độ ảnh hưởng của lượng xe máy cũ đến chất lượng không khí ở Hà Nội là vô cùng lớn sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe cho người dân và vấn đề tai nạn giao thông khi các xe máy không đủ điều kiện an toàn để lưu thông.
Xe máy cũ gây ô nhiễm chính ở Hà Nội.
Dựa trên những số liệu trên, ông Long cho rằng, đây là cơ sở quan trọng để TP Hà Nội đẩy mạnh chính sách vùng phát thải thấp và chuyển đổi phương tiện giao thông xanh trong thời gian tới.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng nhận định, việc thay thế xe cũ bằng xe điện hoặc xe đạt chuẩn có thể giúp giảm 35 - 40% lượng khí CO và HC, đồng thời cải thiện chất lượng không khí và tiết kiệm năng lượng.
Hiện nay, không khó để nhận ra rất nhiều người dân mưu sinh ở Hà Nội bằng những phương tiện "cà tàng", không biển số, không đèn, còi, không gương, yếm xe… gây mất an toàn giao thông. Đặc biệt, những xe này phát thải khói đen từ ống xả chính là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn ở Hà Nội.
Chính vì vậy, việc cấp thiết giải quyết bài toán ô nhiễm tận gốc phải bắt đầu từ nguyên nhân là xe máy xăng không đảm bảo, trước khi tính đến những phương án xa hơn như hạn chế ô tô xăng dầu trong các khu vực trung tâm của Thủ đô.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.