Các phương tiện của Trung Quốc tham gia vận tải theo Hiệp định.
Tham dự lễ đón có đại diện các cơ quan Bộ Xây dựng Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển châu A (ADB), lãnh đạo các sở xây dựng có cửa khẩu biên giới với Trung Quốc và có tuyến vận tải GMS đi qua.
Ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam phát biểu tại lễ đón.
Phát biểu tại lễ đón, ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam việc cho biết, triển khai hai tuyến vận tải này trong khuôn khổ hợp tác GMS sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Tăng cường tính kết nối và thông suốt trong hoạt động vận tải xuyên biên giới; Giảm thời gian, chi phí và thủ tục cho doanh nghiệp vận tải; Thúc đẩy thương mại, đầu tư, logistics và phát triển kinh tế vùng biên giới; Đồng thời, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực GMS kết nối, hội nhập sâu rộng và bền vững. Để tuyến vận tải này được triển khai hiệu quả, bền vững, tôi đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp vận tải của hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai hoạt động vận tải, tạo thuận lợi, đưa tuyến vận tải này trở thành tuyến vận tải năng động, hiệu quả. Chúng ta tin tưởng rằng, bằng sự đồng lòng và hợp tác trên tinh thần xây dựng, tuyến vận tải Việt Nam - Trung Quốc thực hiện Hiệp định GMS-CBTA sẽ phát huy hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của hai quốc gia, cũng như toàn khu vực GMS.
Tuyến vận tải được đưa vào vận hành hôm nay không chỉ là một hoạt động kỹ thuật hay một kết nối hạ tầng đơn thuần, mà còn là biểu tượng sinh động của sự hợp tác thực chất, hiệu quả giữa hai quốc gia. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc đang phát triển hết sức tích cực, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức Việt Nam gần đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất đối với quan hệ song phương Việt - Trung trong năm 2025 và càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi diễn ra trong Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1950 - 2025). Đây là thời điểm rất ý nghĩa để hai Bên cụ thể hóa những cam kết hợp tác, thúc đẩy giao lưu và liên kết kinh tế - hạ tầng giữa hai nước.
Hiệp định GMS-CBTA có sự tham gia của sáu nước: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Trong đó, tuyến vận tải GMS giữa Việt Nam và Trung Quốc bao gồm hai tuyến: Tuyến: Côn Minh - cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) - Cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) - Hà Nội - Hải Phòng và Tuyến: Nam Ninh - Cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) - Cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hà Nội. Đây là hai tuyến vận tải đường bộ có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn và đóng vai trò quan trọng trong thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Triển khai thực hiện Hiệp định về tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng được gọi tắt là Hiệp định GMS-CBTA; Bản ghi nhớ thực hiện "Thu hoạch sớm" Hiệp định Hiệp định GMS-CBTA. Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Lễ vận hành tuyến vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc triển khai Hiệp định GMS-CBTA tại thành phố Nam Ninh, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào ngày 14 tháng 5 năm 2025.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.