Hà Nội đã có lộ trình chuyển đổi các phương tiện buýt sử dụng diesel sang xe buýt chạy bằng điện.
Với lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan với mục tiêu phát triển hệ thống GTVT xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050.
Theo TS Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, xu hướng GTX đang ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Nhiều quốc gia đã cam kết đầu tư vào hạ tầng GTX, nhằm giảm thiểu khí thải và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và Việt Nam cũng không ngoại lệ. GTX không chỉ là xu hướng hiện tại mà còn là nền tảng cho một tương lai bền vững.
Đồng thời, GTX hướng đến việc sử dụng các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và những loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Việc người dân sử dụng các phương tiện xe đạp, xe máy điện, ô tô điện, xe buýt chạy bằng khí nén CNG, tàu điện… chính là tham gia GTX.
Hiện nay, các thành phố lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm khí thải nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông. Khí thải từ hệ thống giao thông là vấn đề cần được chú trọng khi nó gây ảnh hưởng rất lớn đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường sống… đặc biệt là sức khỏe của người dân.
Theo các chuyên gia môi trường, để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, việc phát triển GTX là vô cùng cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Bởi lẽ, giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia GTX, bảo đảm môi trường.
Để thực hiện được yêu cầu phát triển GTX cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Trước hết, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần chủ động tiếp tục triển khai các nội dung của Quyết định số 876/QĐ-TTg. Đặc biệt, các địa phương cần rà soát những khó khăn, vướng mắc cả về cơ chế chính sách, công nghệ đến nguồn lực... để kiến nghị giải pháp thực hiện.
Cùng với đó là tiếp tục tạo cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng năng lượng xanh. Trong đó, bao gồm cả chính sách thiết thực, hiệu quả như hỗ trợ đầu tư các trạm sạc điện, hỗ trợ chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện GTX, chuyển đổi phương tiện cá nhân sang công cộng, chuyển đổi vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, chuyển đổi nhiên liệu sang năng lượng…
Trước mắt, để xây dựng và phát triển GTX, TS Trần Hữu Minh đề nghị các địa phương cần phải có phương án loại bỏ những phương tiện giao thông không đạt chuẩn, xả thải nhiều khí độc ra môi trường, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các loại xe điện, xe đạp. Tiếp đó là nâng cao hiệu quả phục vụ của các phương tiện giao thông công cộng hiện có để thu hút người dân, từ đó góp phần giảm những phương tiện giao thông cá nhân. Có như vậy, GTX mới được lan tỏa ra xã hội và trở thành xu thế tất yếu trong sự phát triển của đất nước.
Triển khai các cam kết của Việt Nam tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 2/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí mê tan của ngành GTVT, với mục tiêu phát triển hệ thống GTX, nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Chương trình hành động đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành GTVT bao gồm: Phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hóa, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh.
Thời gian các địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, đi đầu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 2025, Hà Nội sẽ chuyển đổi các phương tiện buýt lớn sử dụng diesel hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt lớn chạy bằng điện. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi. Từ năm 2026, dự kiến, thành phố ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện. Các đơn vị sẽ triển khai thực hiện thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao theo thời gian sử dụng phương tiện thực tế trên từng tuyến. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2026 - 2030 là 1.813 xe. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 93,4% tổng số phương tiện được chuyển đổi. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2031 - 2035 là 238 xe. Với mục tiêu của Hà Nội đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100%.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.