Sau 8 năm, Mazda CX-5 cũng có bước chuyển mình lớn khi chính thức bước sang thế hệ thứ 6. Mẫu xe này sở hữu ngoại thất tinh chỉnh nhẹ, nhưng nền tảng khung gầm và nội thất thực sự đã mang đến nhiều cải tiến.
Một số chuyên gia nước ngoài đã đánh giá nhanh những ưu nhược điểm của Mazda CX-5 2026 dự kiến sẽ về Việt Nam trong năm sau.
Mazda CX-5 có không gian tốt hơn đời cũ.
Về ưu điểm, Mazda CX-5 2026 được ứng dụng nền tảng khung gầm mới gia tăng sự cứng vững và nhẹ hơn với nhiều kim loại đắt tiền. Không những vậy, xe còn gia tăng chiều dài cơ sở tăng 76 mm và chiều dài tổng thể tăng 114 mm so với đời trước.
Dù là xe 5 chỗ, nhưng Mazda CX-5 giờ đây có chiều dài cơ sở tốt hơn cả xe 5+2 như Honda CR-V. Điều này giúp CX-5 mang đến không gian nội thất tốt hơn, đặc biệt khoang hành khách phía sau sẽ được cải thiện, điều vốn bị chê trên xe hiện hành.
Ngoại hình Mazda CX-5 thế thao hơn.
Ưu điểm nữa về thiết kế tổng thể ngoại hình của xe đan xen giữa thể thao với những chi tiết sơn đen bóng kết hợp sự sang trọng của ngôn ngữ KODO trứ danh. Xe còn được ứng dụng công nghệ đèn pha thích ứng cùng kiểu tạo hình mới mẻ hơn.
Nội thất thực sự là ưu điểm lớn nhất mà những chuyên gia đánh giá xe phải công nhận trên Mazda CX-5. Mẫu xe này có kiểu thiết kế nội thất mới, tinh giản với màn hình trung tâm 15,6 inch hiển thị cả giải trí cũng như điều hòa giúp khu vực yên ngựa thông thoáng hơn.
Mazda vẫn trang bị cho CX-5 màn hình kỹ thuật số hiển thị đa thông tin phía sau vô-lăng đầy hiện đại thay cho dạng cơ trên đời cũ.
Về khả năng bảo vệ người dùng, ưu điểm của CX-5 là được nâng cấp gói hỗ trợ lái ADAS gồm: Ga hành trình thích ứng giữ khoảng cách, hỗ trợ phanh tự động khẩn cấp, cảnh báo va chạm, nhận diện biển báo giao thông, hỗ trợ lái trên cao tốc.
Ở chiều ngược lại, Mazda CX-5 vẫn còn một số nhược điểm mà các chuyên gia cũng điểm nhanh để người dùng biết được trước khi xuống tiền.
Mọi thao tác đều trên màn hình khiến người lái khó tập trung khi lái xe.
Trong khi ngành công nghiệp xe hơi đang phát triển ô tô điện, hybrid thân thiện với môi trường thì Mazda CX-5 mới vẫn dùng động cơ xăng truyền thống. Do đó, một số thị trường sẽ kén những động cơ này, thay vào đó là xe hybrid.
Mazda CX-5 không còn phím bấm vật lý ở yên ngựa mà chuyển các chức năng điều khiển trên màn hình giải trí trung tâm. Thiết kế này khiến người điều khiển xe sẽ khó thao tác hơn khi đang lái thay vì những phím cơ học. Ngay cả chuyển chế độ lái, tăng giảm điều hòa cũng đều sử dụng màn hình cảm ứng gây ra mất tập trung khi lái xe.
Ngoài ra, hệ truyền động của Mazda CX-5 cũng không có bất cứ nâng cấp nào khiến trải nghiệm lái sẽ không thay đổi so với đời cũ. Đây là một trong những điểm tụt của CX-5 khi đặt cạnh các đối thủ cùng phân khúc.
Ở Việt Nam, Mazda CX-5 đang là dòng xe bán chạy nhất phân khúc SUV hạng C và với những ưu nhược điểm trên liệu xe còn chiếm được cảm tình của người dùng khi chính thức ra mắt thế hệ mới trong thời gian tới?
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.