Các nước trên thế giới làm gì để hạn chế xe xăng dầu?

Tác giả: HOÀNG SƠN

saosaosaosaosao
Thị trường xe 15/07/2025 05:29

Không chỉ cấm triệt để xe xăng dầu, nhà chức trách của nhiều quốc gia trên thế giới còn áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để giảm ô nhiễm môi trường.


Bài toán hạn chế xe xăng dầu không phải mới với nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực. Người dân chuyển đổi phương tiện từ xe xăng dầu sang xe điện, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Việt Nam cũng đã bắt đầu triển khai lộ trình hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở khu vực trung tâm, tiến tới cấm toàn bộ phương tiện cá nhân lưu thông ở vành đai 1, 2 và 3.

Vậy các nước trên thế giới đã làm gì để hạn chế xe xăng dầu?

Khuyến khích dùng xe điện bằng ưu đãi

Các nước trên thế giới làm gì để hạn chế xe xăng dầu? - Ảnh 1.

Các quốc gia áp dụng nhiều biện pháp hạn chế xe xăng dầu.

Các quốc gia phát triển mạnh xe điện đều phải đi chung con đường là tung ưu đãi từ việc sở hữu xe, hạ tầng, ưu tiên cho người dân khi sử dụng xe điện. Ngược lại, đánh thuế cao xe xăng, hạn chế đăng ký hay hạn chế thời gian ra đường.

Đơn cử, Chính phủ Na Uy cho biết, năm 2025 này sẽ cấm toàn bộ việc bán xe sử dụng động cơ đốt trong ở nước này. Đồng thời, triển khai các giải pháp như hỗ trợ thuế, ưu đãi cho người dân chuyển sang xe điện.

Ở Trung Quốc, nhiều thành phố áp dụng việc quay số may mắn để tìm ra người được đăng ký xe xăng dầu. Thậm chí, nước này cũng quy định ngày mà các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch được lưu thông trên đường.

Kiểm soát bằng rào chắn

Ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như Madrid (Tây Ban Nha), Olso (Na Uy), London (Anh), Paris (Pháp), Thâm Quyến (Trung Quốc), Chính phủ đã ban hành lệnh cấm xe chạy xăng dầu vào các khu vực trung tâm.

Các quốc gia này đều sử dụng biện pháp ngăn chặn bằng rào chắn vật lý và chốt chặn cũng như công nghệ giám sát. Khi phát hiện xe sử dụng xăng dầu lưu thông, ngay lập tức cảnh sát sẽ ngăn chặn để xe đó không thể vào trung tâm.

Ở Trung Quốc, Chính phủ thiết lập các trạm kiểm soát cứng với barrier và nhân viên an ninh ở các tuyến vào trung tâm để kiểm soát phương tiện. Các xe không có giấy phép xanh (xe điện) sẽ bị cấm di chuyển vào những tuyến đường này, trừ khi đăng ký trước trong khung giờ cho phép.

Một số giải pháp trên giúp các nước có thể kiểm soát nhanh chóng xe động cơ đốt trong nhưng cũng phần nào ảnh hưởng đến người dân sinh sống ở khu vực đó. Chính phủ nhiều nước đã bổ sung các giải pháp mềm hơn.

Không gia hạn đăng ký xe xăng dầu

Singapore là quốc gia mạnh tay trong việc triển khai các biện pháp ngăn chặn xe xăng dầu. Theo đó, các chủ xe xăng dầu được cấp giấy phép sử dụng xe cá nhân trong 10 năm thông qua hệ thống COE (Certificate of Entitlement). Hết hạn 10 năm, các mẫu xe chạy xăng, dầu sẽ không được gia hạn thêm, đồng nghĩa không đủ điều kiện lưu hành. Đặc biệt, các dòng xe dùng động cơ đốt trong không được đăng ký mới từ năm 2030.

Chính phủ Hà Lan thông qua quy định, từ năm 2030, các loại xe không phát thải (bao gồm xe chạy bằng hydrogen hoặc thuần điện) mới được đăng ký mới. Người dân nước này không được mua xe xăng dầu mới và cũng không thể đăng kiểm lại xe động cơ đốt trong cũ. Hiện tại, các thành phố lớn ở Hà Lan gồm Amsterdam hay Rotterdam đã bắt đầu được áp dụng quy định giới hạn đăng ký mới cho xe xăng.

Ở Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thâm Quyến (Trung Quốc), trong 1 - 2 năm trở lại, Chính phủ đã bắt đầu ngừng cấp biển số mới cho xe xăng dầu.

Ngoài việc khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện sang xe điện, Chính phủ nhiều quốc gia cũng áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế tối đa sử dụng xe xăng dầu. Các quốc gia đều đặt mục tiêu xe điện sẽ chiếm tỷ trọng lớn giúp giảm ô nhiễm môi trường và cả ô nhiễm tiếng ồn.