Theo xu thế, lĩnh vực đường sắt đô thị đang có những bước tiến hướng tới sự bứt phá về khoa học công nghệ, số hóa. Đây là sự thay đổi mang tính hệ thống, tạo tiền đề cho hệ sinh thái vận hành thông minh, bền vững. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức cho ĐSĐT, đòi hỏi phải có cơ chế đồng bộ cũng như giải pháp cụ thể từ các doanh nghiệp vận hành ĐSĐT.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, ngành Đường sắt nói chung và ĐSĐT nói riêng đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng số hóa, tích hợp công nghệ mới và hiện đại hóa đào tạo nhân lực. Các công nghệ cốt lõi như: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) và Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mô hình mô phỏng số (Digital Twin), điện toán đám mây, thực tế ảo và Internet of Trains đang được tích hợp đồng bộ vào công tác quản lý và điều hành hệ thống đường sắt hiện đại.
Những công nghệ này đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các vấn đề cốt lõi như giám sát tình trạng cơ sở hạ tầng, tối ưu hóa quy trình vận hành, bảo trì, dự báo tàu trễ và nâng cao mức độ an toàn trong vận hành.
Cụ thể, các ứng dụng của AI được sử dụng trong lập lịch vận hành tàu, phát hiện hư hỏng và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng. Trong khi đó, thiết bị IoT hỗ trợ việc thu thập dữ liệu theo thời gian thực thông qua hệ thống cảm biến, camera và định vị toàn cầu (GPS). Một số công nghệ quan trọng khác như mô hình mô phỏng, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và thực tế ảo cũng đang được ứng dụng mạnh mẽ, hỗ trợ ra quyết định trong công tác điều hành. Việc tích hợp đồng thời các công nghệ này cho phép xây dựng các giải pháp tổng thể, toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành bảo trì hệ thống đường sắt.
Quá trình chuyển đổi số trong ngành Đường sắt không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ mà còn thể hiện một sự thay đổi mang tính hệ thống từ mô hình quản trị, mô hình kinh doanh đến phương thức cung cấp dịch vụ, tạo tiền đề cho việc hình thành một hệ sinh thái vận hành thông minh, thích ứng và bền vững trong lĩnh vực đường sắt. Đối với hành khách, quá trình chuyển đổi số thể hiện qua việc triển khai các ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải thông qua ứng dụng di động, hệ thống vé điện tử và các hệ thống thông tin, giải trí tích hợp trên tàu.
Đối với nhà vận hành, ứng dụng cảm biến IoT và phân tích dữ liệu lớn đang làm thay đổi căn bản cách thức quản lý tài sản, trang thiết bị và hoạt động bảo trì đoàn tàu và cơ sở hạ tầng. Hệ thống vận hành tàu tự động (Automated Train Operation - ATO) góp phần nâng cao mức độ an toàn và hiệu quả vận hành. Khái niệm “Internet of Trains - Hệ thống kết nối công nghệ số, cảm biến, thiết bị, đoàn tàu, tín hiệu, cơ sở hạ tầng” đang từng bước hình thành một hệ thống kết nối liên thông toàn diện, mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất, đơn vị vận hành và hành khách.
Các tập đoàn đường sắt lớn trên thế giới đang triển khai các chiến lược số hóa toàn diện. Chương trình DB 4.0 của Deutsche Bahn (Đức) tập trung vào phát triển phần mềm hỗ trợ vận hành và xây dựng các mô hình kinh doanh mới. Các nhà khai thác hàng đầu như SBB (Thụy Sĩ) và Trenitalia (Italia) đã áp dụng các giải pháp phần mềm tích hợp nhằm chuyển đổi toàn diện công tác quản lý vận hành đường sắt, hướng đến tích hợp các ứng dụng về tối ưu hóa biểu đồ chạy tàu, lập kế hoạch đoàn tàu và quản lý hạ tầng thông minh; tự động hóa lập lịch và phân công nhân sự, điều phối bảo trì và triển khai đội tàu một cách hiệu quả; giám sát và điều hành hoạt động theo thời gian thực, hệ thống quản lý sự cố chủ động và cung cấp thông tin cho hành khách một cách linh hoạt và kịp thời…
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức không nhỏ về phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng năng lực công nghệ, đặc biệt là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng số cho đội ngũ quản lý và lực lượng lao động trực tiếp vận hành, bảo trì phương tiện, hạ tầng đường sắt. Các chức danh kỹ sư ngày càng đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về KHCN tiên tiến, hệ thống số và cần phải được trang bị hiểu biết toàn diện hơn về các hệ thống tích hợp.
Ngay cả khi tự động hóa có thể đơn giản hóa vai trò của người lái tàu, họ vẫn cần phải được trang bị kiến thức cập nhật, phù hợp với trình độ phát triển KHCN để đáp ứng yêu cầu vận hành trong môi trường công nghệ cao. Những yêu cầu này đặt ra thách thức rõ rệt đối với hệ thống đào tạo trong quá trình phát triển công nghệ, chuyển đổi số. Ví dụ, ở Úc sự thiếu hụt các chương trình đào tạo chuyên sâu từ các cơ sở giáo dục truyền thống đã khiến các nhà vận hành phải tự thực hiện đào tạo và phụ thuộc vào các đơn vị đào tạo chuyên biệt như CERT, RTI và Skilled Rail.
Hiện nay, các chương trình đào tạo trong lĩnh vực ĐSĐT có sự phân hóa rõ rệt giữa các khu vực, phản ánh đặc điểm nhu cầu và định hướng phát triển riêng biệt của từng quốc gia. Cụ thể, tại Hoa Kỳ các chương trình đào tạo thường tập trung vào các nội dung mang tính kỹ thuật chuyên sâu, đặc biệt là kỹ thuật xây dựng. Ngược lại, tại Liên minh châu Âu, các chương trình mang tính đa ngành hơn, bao phủ cả cơ sở hạ tầng, vận hành và hệ thống tích hợp. Tại Trung Quốc quá trình phát triển nhanh chóng của hệ thống ĐSĐT đã thúc đẩy nhận thức sâu sắc về vai trò của tin học ứng dụng trong giáo dục kỹ thuật đường sắt. Các chương trình đào tạo tiên tiến hiện nay đang tích hợp các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) và bản sao số (Digital Twins) nhằm trang bị cho học viên năng lực thực hiện các chức năng hiện đại như lập lịch trình thời gian biểu, quản lý giao thông, dự đoán bảo trì và giám sát vận hành theo thời gian thực - những yếu tố then chốt trong hệ thống vận hành ĐSĐT thông minh.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh hiện đại hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường sắt, các chương trình đào tạo do các đơn vị vận hành đã và đang được thiết kế theo hướng toàn diện. Cấu trúc chương trình bao gồm các lĩnh vực trọng yếu như kỹ thuật đường sắt, cơ sở hạ tầng, vận hành, tín hiệu, bảo trì, an toàn và quản lý…, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn. Mục tiêu cốt lõi của các chương trình là hình thành một đội ngũ chuyên gia lành nghề, có khả năng quản lý, vận hành hiệu quả các hệ thống vận hành tàu hiện đại an toàn.
Đáng chú ý, nhiều đơn vị vận hành đã chủ động ứng dụng đào tạo số, bao gồm các phần mềm mô phỏng thực tế và chương trình đào tạo dựa trên máy tính (computer-based training). Cách tiếp cận này không chỉ nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả chi phí mà còn giúp học viên phát triển kỹ năng phần mềm, phân tích dữ liệu và lập trình, năng lực thiết yếu để quản lý hiệu quả các hệ thống ĐSĐT hiện đại.
Bên cạnh đó, ngành Đường sắt đang từng bước chuyển đổi theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn đào tạo dựa trên năng lực (competency-based training standards) được công nhận ở cấp quốc gia. Việc áp dụng các chuẩn mực đào tạo này góp phần đảm bảo tính thống nhất, chuẩn hóa đầu ra về đào tạo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi, công nhận năng lực giữa các cơ sở đào tạo và đơn vị vận hành khác nhau.
Ngành ĐSĐT toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng số hóa, tích hợp công nghệ mới và hiện đại hóa đào tạo nhân lực.
Tại Việt Nam, quá trình phát triển các tuyến ĐSĐT tại Hà Nội và TP.HCM đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên còn nhiều rào cản về mặt công nghệ, thiết kế không đồng bộ, thiếu liên thông hệ thống và phân mảnh trong quản lý, điều hành. Đặc biệt, sự lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài và sự thiếu hụt chiến lược phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu đang là những thách thức lớn đối với khả năng tự chủ công nghệ và vận hành hiệu quả các tuyến ĐSĐT trong dài hạn.
Hiện trạng triển khai ba tuyến ĐSĐT tại Việt Nam, bao gồm tuyến Cát Linh - Hà Đông (ODA Trung Quốc), tuyến Nhổn - Ga Hà Nội (ODA Pháp) và tuyến Bến Thành - Suối Tiên (ODA Nhật Bản) đang cho thấy những tồn tại đáng lưu ý về mặt kỹ thuật, vận hành và quản lý do sự thiếu đồng bộ trong thiết kế và công nghệ. Mỗi dự án là một hệ thống hoàn chỉnh riêng biệt, với sự khác biệt về đoàn tàu, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống điều khiển, phần mềm điều độ và hệ thống vé. Sự không tương thích này đã tạo ra tình trạng vận hành độc lập giữa các tuyến, gây khó khăn trong việc tích hợp về kỹ thuật và tổ chức khai thác vận tải. Một trong những bất cập nổi bật là hệ thống vé hiện hành: Thẻ vé của tuyến nào chỉ sử dụng được cho tuyến đó, thiếu cơ chế thanh toán điện tử liên thông, không hỗ trợ thanh toán không tiền mặt khiến hành khách gặp bất tiện, làm giảm mức độ tiện lợi và hấp dẫn của dịch vụ ĐSĐT.
Ngoài ra, hệ thống phần mềm điều độ và cơ sở hạ tầng vận hành không thể dùng chung giữa các tuyến. Cụ thể, việc sử dụng phần mềm điều hành của tuyến Cát Linh - Hà Đông để lập biểu đồ chạy tàu cho tuyến Nhổn - Ga Hà Nội (hoặc ngược lại) là không khả thi do khác biệt về công nghệ nền tảng, dẫn đến tăng chi phí đầu tư ban đầu, chi phí vận hành và bảo trì do phải xây dựng hệ thống riêng biệt cho từng tuyến. Tình trạng thiếu đồng bộ nêu trên cho thấy sự cần thiết cấp bách phải xây dựng một kiến trúc tổng thể cho hệ thống ĐSĐT, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, khung tích hợp công nghệ, hệ thống vé liên thông, trung tâm điều hành tập trung và chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp với lộ trình chuyển đổi số và nội địa hóa công nghệ. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí đầu tư và vận hành mà còn nâng cao hiệu quả khai thác, tăng tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của vận tải công cộng trong đô thị hiện đại.
Về nguồn nhân lực, sự khác biệt trong công nghệ giữa các tuyến kéo theo yêu cầu đào tạo riêng biệt, với chương trình, tiêu chuẩn và quy trình chuyển giao công nghệ khác nhau. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc chuẩn hóa đội ngũ vận hành, bảo trì mà còn làm gia tăng chi phí đào tạo và kéo dài thời gian làm chủ công nghệ trong nước. (Bảng 1)
Hiện nay, các chương trình đào tạo trong lĩnh vực ĐSĐT tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các nội dung ngắn hạn, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu vận hành, bảo trì trang thiết bị, bảo đảm an toàn hệ thống và cung cấp dịch vụ hỗ trợ theo từng dự án cụ thể. Tuy nhiên, các nội dung đào tạo liên quan đến sửa chữa, bảo dưỡng đoàn tàu và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sửa chữa trung tu và đại tu vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng.
Một trong những hạn chế căn bản là việc chưa xây dựng được chiến lược phát triển nguồn nhân lực bền vững cho lĩnh vực ĐSĐT. Hiện tại, quá trình chuyển giao công nghệ vẫn phụ thuộc lớn vào các chuyên gia nước ngoài và các nhà thầu công nghệ, đặc biệt trong công tác đào tạo đội ngũ giảng viên, kỹ sư nòng cốt và đội ngũ quản lý, kỹ thuật có tay nghề cao, đầu tư trang thiết bị thực hành, ứng dụng KHCN, tích hợp các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) và công nghệ thực tế ảo (Digital Twins) nhằm trang bị cho học viên khả năng thực hiện các chức năng hiện đại như lập lịch trình thời gian biểu, quản lý giao thông, bảo trì dự đoán và giám sát vận hành thời gian thực.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa hình thành được các trung tâm đào tạo thực hành chuyên sâu về ĐSĐT. Do đây là lĩnh vực còn mới mẻ, việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện, phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao và chuẩn hóa chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận quốc tế vẫn đang là thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước.
Có thể khẳng định rằng, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển KHCN, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực ĐSĐT. Các văn bản pháp luật và chính sách chiến lược đã được ban hành nhằm tạo khung pháp lý và định hướng cho sự phát triển này.
Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 đã đặt nền tảng pháp lý để các doanh nghiệp vận hành như Hanoi Metro, HURC1 tập trung thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực ĐSĐT, bảo đảm tiên tiến, khả năng làm chủ và phát triển công nghệ cũng như đồng bộ với công nghệ được chuyển giao và đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của luật hiện còn hạn chế. Cụ thể, các quy định về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số mới chỉ tập trung vào hệ thống cung cấp điện, giám sát tập trung và hệ thống quản lý điều hành chạy tàu (Điều 75) và yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát vé, sử dụng công nghệ hiện đại, đồng nhất, có khả năng kết nối với các hệ thống giao thông khác (Điều 76). Hiện tại, Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 chưa cập nhật kịp thời các xu hướng công nghệ mới như AI, IoT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, mô phỏng số, công nghệ thực tế ảo… những thành phần công nghệ cốt lõi đang được ứng dụng phổ biến trong công tác quản trị, quản lý, vận hành, bảo trì phương tiện, kết cấu hạ tầng ĐSĐT tại nhiều quốc gia phát triển.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng với Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW đã xác lập định hướng chiến lược và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm phát triển hạ tầng số quốc gia. Cụ thể, các nghị quyết nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng vật lý số và hạ tầng tiện ích số; tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các công trình hạ tầng thiết yếu; phát triển ngành công nghiệp Internet vạn vật (IoT) và hình thành các cụm công nghiệp IoT di động.
Đồng thời, các chính sách ưu tiên tăng cường đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN và chuyển đổi số; trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng các cơ sở đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học có trình độ cao trong các lĩnh vực then chốt như kỹ thuật bán dẫn, vi mạch và công nghệ kỹ thuật số; hiện đại hóa chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế và tăng cường hợp tác với các đại học hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, các nghị quyết cũng đặt mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển các nền tảng số an toàn, mở rộng ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực trọng yếu, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hiện đại, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như AI, IoT, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn và năng lượng nguyên tử.
Ngoài ra, Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển hệ thống ĐSĐT tại Hà Nội và TP.HCM. Nghị quyết này đưa ra các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển KHCN và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao phục vụ vận hành ĐSĐT, đồng thời quy định bắt buộc về chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực nhằm đảm bảo năng lực tự chủ trong quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống ĐSĐT. Các Nghị quyết đặt nền tảng cho việc các doanh nghiệp vận hành khai thác dịch vụ ĐSĐT (Hanoi Metro, HURC1) trở thành chủ thể đổi mới công nghệ, trong đó Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Mặc dù Nghị quyết 57-NQ/TW đã đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm nghiên cứu, phát triển (R&D), đầu tư công nghệ và chuyển giao công nghệ, tuy nhiên Chính phủ cần bổ sung các quy định pháp lý cụ thể về ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Digital Twins, hệ thống giám sát dự đoán bằng AI hoặc nền tảng điều hành dựa trên dữ liệu lớn trong quản lý và vận hành ĐSĐT. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Song song với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, các doanh nghiệp vận hành ĐSĐT cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm như sau:
Giải pháp về KHCN
Làm chủ công nghệ lõi trong vận hành ĐSĐT: Doanh nghiệp cần tập trung phát triển năng lực làm chủ các công nghệ cốt lõi như quản lý điều độ, điều hành vận hành, bảo trì cơ sở hạ tầng, tín hiệu và hệ thống an toàn; từng bước thực hiện nội địa hóa công nghệ đường sắt.
Phát triển phần mềm điều hành tích hợp: Chủ động phối hợp với các đối tác trong nước để nghiên cứu, thiết kế và triển khai hệ thống phần mềm điều độ và vận hành tổng thể bao gồm: Lập và quản lý biểu đồ chạy tàu, giám sát phương tiện, quản lý nhân lực, bảo trì, sửa chữa, hệ thống vé tự động (AFC), thông tin hành khách, doanh thu và kế toán và quản trị doanh nghiệp trong lĩnh vực ĐSĐT.
Hợp tác công - tư trong nội địa hóa công nghệ: Xây dựng kế hoạch hợp tác dài hạn với các doanh nghiệp công nghệ trong nước như Viettel, FPT, THACO, CMC… nhằm thúc đẩy nội địa hóa và làm chủ các giải pháp công nghệ trong các lĩnh vực điều độ, tín hiệu, ray, hệ thống an toàn và bảo trì, hệ thống ray.
Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu - phát triển (R&D): Phối hợp với viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ để nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới như AI, IoT, Big Data, Digital Twins vào khai thác ĐSĐT; sẵn sàng thử nghiệm, kiểm thử và thương mại hóa các sáng kiến công nghệ ứng dụng cho hạ tầng và vận hành hệ thống ĐSĐT.
Giải pháp về chuyển đổi số
Thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp ĐSĐT: Phát triển một kiến trúc tổng thể bao gồm các thành phần: Hạ tầng số, nền tảng điều hành số, hệ thống bảo trì thông minh và trung tâm dữ liệu tập trung.
Phát triển hệ thống điều hành và vé điện tử liên thông: Tích hợp hệ thống vé không dùng tiền mặt, liên thông giữa các tuyến ĐSĐT và các phương thức vận tải công cộng khác để nâng cao trải nghiệm người dùng và thúc đẩy chuyển đổi số trong dịch vụ vận tải đô thị.
Ứng dụng công nghệ số trong bảo trì dự đoán và quản lý tài sản: Áp dụng cảm biến IoT và phân tích dữ liệu lớn để giám sát tình trạng thiết bị theo thời gian thực và lập kế hoạch bảo trì dựa trên điều kiện thực tế.
Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
Thành lập trung tâm đào tạo chuyên sâu về ĐSĐT: Các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo có khả năng mô phỏng các tình huống vận hành và bảo trì thực tế, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và thực tiễn sản xuất.
Tích hợp các công nghệ mới vào chương trình đào tạo: Tích hợp các nội dung về công nghệ số như AI, Big Data, Digital Twin, điều hành thông minh vào chương trình giảng dạy cho các chức danh kỹ thuật như kỹ sư, lái tàu, điều độ viên và nhân viên bảo trì.
Tăng cường liên kết đào tạo - doanh nghiệp - quốc tế: Tăng cường hợp tác với các trường đại học, tổ chức đào tạo quốc tế như: CERT, RTI, Tokyo Metro… để phát triển đội ngũ nhân lực đạt chuẩn quốc tế; tổ chức các hội thảo khoa học, diễn đàn chuyên đề nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa doanh nghiệp vận hành (Hanoi Metro, HURC1) và cộng đồng KHCN toàn cầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Paula et al. (2017), Towards the Internet of Smart Trains: A Review on Industrial IoT -Connected Railways.
[2]. Zhang. (2022), Artificial Intelligence Applied on Traffic Planning and Management for Rail Transport: A Review and Perspective.
[3]. Ma and Lautala (2011), Railway Education Today and Steps Toward Global Education.
[4]. Mahendran et al. (2007), A profile of training and Skills development in Australian Rail Industry.
[5]. Sheng et al. (2017), Research on training of Computer Application Ability of Rail Transit Operators.
[6]. Pieriegud (2018), Digital Transformation of Railway.
[7]. Camilo et al. (2022), Industry 4.0 Technologies Applied to the Rail Transportation Industry: A Systematic Review.
[8]. Sylwia et al. (2024), Digital Twin Approach for Operation and Maintenance of Transportation System - Systematic Review.
[9]. Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16/6/2017 của Quốc hội.
[10]. Nghị quyết số Số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
[11]. Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển hệ thống ĐSĐT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.