Rà soát các bất cập về hạ tầng giao thông
Rà soát, xử lý tồn tại về hạ tầng giao thông
Theo đó các đơn vị quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia, xác định rõ công tác rà soát và xử lý các bất cập về hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông, đèn tín hiệu... là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thường xuyên. Đây là trách nhiệm không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đơn vị thi công và vận hành hạ tầng.
Đặc biệt, việc rà soát phải gắn với tiếp thu các phản ánh từ lực lượng Cảnh sát giao thông, cử tri, chính quyền địa phương để sớm khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai quyết liệt các chỉ thị, kế hoạch như Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 227/TTg-CN ngày 27/02/2025 và Kế hoạch số 888/KH-BXD ngày 24/3/2025 của Bộ Xây dựng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2025.
Đồng thời, Cục cũng yêu cầu thực hiện nghiêm Kế hoạch số 830/KH-CĐBVN ngày 14/4/2025 – kế hoạch chi tiết của Cục về triển khai chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng.
Bảo đảm giao thông khi có sự cố nhằm cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông
Thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời các bất cập
Các đơn vị được giao tăng cường công tác tuần kiểm, bảo trì đường bộ, chủ động phát hiện các điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông để xử lý ngay bằng nguồn vốn bảo dưỡng thường xuyên, các dự án sửa chữa định kỳ hoặc đột xuất. Đối với các tồn tại vượt quá thẩm quyền, phải khẩn trương đề xuất để được xem xét, xử lý.
Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sửa chữa hạ tầng nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp, lơ là trong quản lý khai thác công trình giao thông.
Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam là yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát và cơ quan quản lý thực hiện nghiêm quy định về tổ chức giao thông và thi công trên đường bộ đang khai thác.
Cụ thể, các thủ tục chấp thuận thi công, cấp phép đấu nối, thiết kế nút giao phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Đường bộ năm 2024, Nghị định 165/2024/NĐ-CP và Thông tư 41/2024/TT-BGTVT. Khi cấp phép thi công, cơ quan quản lý đường bộ phải kiểm tra, giám sát thực tế và yêu cầu đơn vị thi công công khai đầy đủ thông tin liên hệ tại công trường, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông để bảo đảm trật tự an toàn trong suốt quá trình triển khai.
Đối với những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn hoặc điều chỉnh kế hoạch đầu tư, các đơn vị, nhà đầu tư PPP, Tổng công ty VEC được yêu cầu chủ động xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.