Máy xây dựng ở Việt Nam chủ yếu hàng cũ, chất lượng còn bị đặt dấu hỏi?

Tác giả: Khải Phạm

saosaosaosaosao
Thế giới xe 20/05/2025 05:56

Thị trường máy xây dựng ở Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hàng cũ, đời sâu và ít đơn vị tham gia nên dư địa phát triển vẫn còn nhiều.


Đô thị hóa nhanh, nhu cầu máy xây dựng lớn

Theo công bố của hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets, ngành máy móc xây dựng của Việt Nam được định giá 2 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến đạt 9,4 tỷ USD vào năm 2032.

Điều này được nhận định khi Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng quy mô lớn đã, đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới. Do đó, nhu cầu máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng tăng cao.

Máy xây dựng ở Việt Nam chủ yếu hàng cũ, chất lượng còn bị đặt dấu hỏi? - Ảnh 1.

Nhu cầu máy xây dựng ở Việt Nam hiện nay đang cao.

Theo Tổng Cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị đạt gần 48,89 tỷ USD, tăng 17,59% so với năm 2023. Trong đó, các thiết bị máy móc nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc khi chiếm đến 59,24% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước với giá trị đạt trên 28,96 tỷ USD, tăng 28,66% so với năm 2023.

Hiện nay, Chính phủ đang ưu tiên phát triển các dự án đường giao thông như cao tốc Bắc - Nam, các sân bay, cảng biển nên nhu cầu máy xây dựng từ đó cũng tăng lên.

Cũng theo Research and Markets, từ năm 2022 đến nay, thị trường tăng trưởng mạnh, đạt mức bình quân khoảng 20 - 30%/năm. Tính riêng 2 tháng đầu 2025, thị trường đã đạt mức tăng trưởng lên tới 100%, dự kiến cả năm tăng từ 25 - 40% so với năm ngoái, với 2.500 - 3.000 máy công trình mới được nhập về. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt 10% trong 3 - 5 năm tới.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường máy xây dựng trong 5 năm tới, đây sẽ là “miếng bánh” thị phần sẽ có nhiều đơn vị muốn gia nhập. Hiện nay, các hãng như Komatsu, Kobelco, Hyundai, Caterpillar, Develon… đang chia sẻ thị phần ở thị trường máy xây dựng, số lượng còn khá ít nên dư địa phát triển lớn.

Máy xây dựng không có niên hạn sử dụng nên tràn lan hàng cũ

“Hầu hết các nhà thầu thi công mà bên tôi thuê để làm các dự án xây dựng nhà ở đều sử dụng những máy lu, máy xúc, cẩu… đều có tuổi đời 17 - 20 năm khá cũ. Đặc biệt, các máy công trình hiện nay chủ yếu là thương hiệu Trung Quốc. Nhiều khi thấy anh em thợ hỏng phải sửa chữa suốt mà thấy cũng không an toàn”, anh Lê Sơn, chủ thầu các công trình xây dựng nhà ở dân sinh chia sẻ.

Máy xây dựng ở Việt Nam chủ yếu hàng cũ, chất lượng còn bị đặt dấu hỏi? - Ảnh 2.

Máy xây dựng chủ yếu hàng cũ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo tìm hiểu, các công ty Việt Nam nhập khẩu bình quân khoảng 2.000 thiết bị, máy móc các loại mỗi năm. Trong đó, có những loại máy xây dựng có tuổi đời 20 - 30 năm vẫn được nhập, sơn sửa lại để lưu hành ở các công trình từ dân sinh đến nhà nước với quy mô lớn.

Được biết, các loại máy xây dựng hiện không có quy định về niên hạn sử dụng mà quy trình đăng kiểm sẽ giống các phương tiện xe cơ giới.

Chính vì không có niên hạn sử dụng nên các công ty kinh doanh máy xây dựng vẫn nhập khẩu nhiều loại máy cũ mà nhiều người coi là “hàng thải” ở các nước khác về Việt Nam. Các loại máy xây dựng cũ được bán qua nhiều kênh khác nhau bởi những doanh nghiệp tư nhân.

Ngoài việc mua bán, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối máy xây dựng cũ cũng triển khai dịch vụ cho các nhà thầu thuê máy móc, thiết bị. Điều này khiến máy xây dựng cũ, chất lượng còn bị đặt dấu hỏi lớn vẫn len lỏi vào các công trình xây dựng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.