Khơi thông dòng chảy trên QL45 đoạn qua tỉnh Thanh Hóa.
Giao thông được đảm bảo
Theo báo cáo nhanh của Cục Đường bộ Việt Nam tính đến 16h ngày 22/7, trên địa bàn của Khu Quản lý đường bộ (QLĐB) I quản lý (Lạng Sơn - Thanh Hóa) đã xảy ra một số tuyến bị ngập do mưa lớn như: Tại hầm chui xóm Rặm (hầm chui đường dân sinh) bên dưới tuyến đường cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn bị ngập nước, chiều sâu 15 cm, thời gian ngập đến 10 giờ. Trong thời gian này các đơn vị đã tổ chức cắm biển báo, trực gác và phân luồng giao thông. Đến thời điểm hiện nay nước đã rút, giao thông trở lại bình thường.
Điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh Km 478+200.
Tại Km 478+200 đường Hồ Chí Minh, địa bàn xã Lạc Lương, tỉnh Phú Thọ (địa bàn huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hòa Bình cũ), ta luy dương nền đường sạt lở dài 40 m. Khu QLĐB I đã chỉ đạo nhà thầu bảo dưỡng đường bộ hót đất đá sạt lở, bố trí rào chắn bảo đảm ATGT.
Đối với điểm ngập nước Km69+158, QL3 (TP Thái Nguyên cũ), các đơn vị của ngành Đường bộ đã phối hợp với lực lượng công an để phân luồng, điều tiết giao thông; đồng thời đang tổ chức khơi thông thoát nước.
Bên cạnh đó, các tuyến cao tốc, QL1, đường Hồ Chí Minh do các khu QLĐB II, III và IV quản lý (bao gồm cả các dự án BOT), không bị các hiện tượng sạt lở nền, mặt đường, ngập nước, ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trên địa bàn đang có mưa, các Khu đang tiếp tục theo dõi.
QL15C bị sạt lở tại Km77 thuộc Mường Lát, Thanh Hóa
Một số tuyến đường bị thiệt hại nhỏ
Báo cáo từ các địa phương gửi về cho thấy, một số tuyến quốc lộ đã được phân cấp bàn giao bị ngập, sạt lở, tuy nhiên với mức độ thiệt hại không lớn. Các Sở Xây dựng đã khẩn trương, tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhằm bảo vệ công trình và bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
Cụ thể: tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa sạt taluy dương, sa bồi rãnh, cống tại 10 vị trí với khối lượng khoảng 20.270m3. Trong đó QL15C bị 05 vị trí, QL16 bị 03 vị trí, QL15 bị 02 vị trí. Trong đó có 01 vị trí gây tắc đường tại Km77+700 QL15C thuộc xã Nhi Sơn. Hiện nay đang tắc đường do vị trí tiếp tục có nguy cơ sạt lở, nên đã tập kết máy móc đến hiện trường, nhưng chưa đủ điều kiện an toàn để hót đất đá sạt tại vị trí sạt này. Một số điểm ngập mặt đường tại Km1+400 - Km1+600/QL47 phường Sầm Sơn; Đoạn Km14+900 - Km15+100/QL47 phường Quảng Phú; Đoạn Km20+800 - Km20+900 QL47 phường Hạc Thành; Đoạn Km10+500 - Km10+700/QL47B xã Xuân Lập.
Dọn hót sạt lở trên QL15C.
Địa bàn tỉnh Nghệ An: Sạt lở, trong phạm vi từ Km 303 + 450 - Km 348 +550 QL16 (địa bàn xã Nhôn Mai) xảy ra 8 vị trí sạt lở ta luy nền đường, trong đó 7/8 vị trí ảnh hưởng đến giao thông, chưa thông tuyến. Riêng vị trí Km 303+940 đã thông tuyến, bảo đảm giao thông. QL48 có 01 vị trí sạt lở gây tắc đường, ngoài ra còn 01 vị trí khác sạt lở nhưng không tắc đường. Về ngập lụt, xảy ra 6 vị trí, tại các đoạn Km271+450 - Km271+500, Km272+00 - Km272+050 thuộc QL15, địa bàn xã Tân Kỳ; vị trí Km53+800 QL46B xã Thuần Phong), và Km 69+600 QL48 (xã Châu Bình). Tuy nhiên, đến nay các vị trí này nước đã rút.
Trên các tuyến quốc lộ do Sở Xây dựng Ninh Bình, Lào Cai, Sơn La... quản lý chưa có thống kê đầy đủ thiệt hại. Tuy nhiên, theo báo cáo của các sở đến 10 giờ ngày 22/7/2025 đã có một số cây gãy, đổ đã được đơn vị tổ chức cắt thu dọn và có 01 biển báo hiệu đường bộ bị đổ, nhưng đã được khắc phục để bảo đảm giao thông bình thường, an toàn.
Tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết
Ngay khi bão số 3 hình thành, Cục Đường bộ Việt Nam đã có 3 công điện chỉ đạo các sở xây dựng và các đơn vị liên quan lên phương án ứng phó khắc phục, đảm bảo giao thông kịp thời, chủ động; đã tổ chức hót dọn bùn đất, đá tràn ra mặt đường và sạt lở trên đường, tổ chức khơi thông cống rãnh, tổ chức lắp đặt báo hiệu đường bộ bảo đảm giao thông.
Kiểm tra Kho vật tư dự phòng do Khu QLĐB I quản lý.
Bên cạnh đó, Cục đã cử đoàn công tác kiểm tra hiện trường và phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, Khu QLĐB I, nhà đầu tư và cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai do bão số 3 và hoàn lưu bão đối với tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, qua đó đánh giá nhà đầu tư BOT đã chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai tuyến đường này, chuẩn bị vật tư (bao cát, bạt, hệ thống cảnh báo ATGT…), thiết bị, máy bơm nước và thiết bị khác sẵn sàng khắc phục nếu trên tuyến có đoạn bị ngập để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
Đồng thời kiểm tra các kho vật tư dự phòng do Khu QLĐB I quản lý tại địa bàn TP Hà Nội cho thấy đơn vị đã tổ chức bảo quản, thống kê, phân loại đầy đủ các vật tư phục vụ phòng chống thiên tai, chuẩn bị các phương án sẵn sàng cung cấp để phục vụ công tác này và công tác bảo đảm giao thông.
Trao đổi với Tạp chí Xây dựng, ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Cục đã chủ động triển khai các phương án ứng phó, khắc phục, đảm bảo giao thông kịp thời. Bão số 3 đã suy yếu, trước mắt thiệt hại không lớn, song hoàn lưu của bão sẽ rất nguy hiểm khi mưa lớn kéo dài và lúc đó sẽ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở. Để giảm thiểu thiệt hại của mưa bão đối với hạ tầng giao thông đường bộ Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi và có phương án ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm giao thông an toàn thông suốt.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.